Tổng thống Ashraf Ghani và gia đình đã tới UAE. Hơn 5.000 công dân Afghanistan cũng sẽ tới UAE trong những ngày tới khiến dư luận quan tâm tới điểm tị nạn Dubai.
Trước đó, nhiều chính trị gia các nước cũng đã tới UAE để sống lưu vong. Thành phố Nhân đạo Quốc tế ở Dubai với sở hậu cần nhân đạo lớn nhất trên thế giới đóng một vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ các ứng phó ban đầu hiệu quả đối với các cuộc khủng hoảng ở cấp độ toàn cầu đang gây sự chú ý.
Các phương tiện truyền thông Trung Đông cho biết, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và gia đình của ông đang ở UAE. Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế UAE cũng xác nhận thông tin này và cho rằng việc tiếp nhận ông Ashraf Ghani và gia đình ông vì lý do nhân đạo. Tuy nhiên, nơi ở của tổng thống Afghanistan vẫn chưa được công bố. Ông Ghani trước đó được cho là đã tới ở Uzbekistan, Tajikistan, Oman và điềm dừng chân hiện nay là UAE. Ông đã có bài phát biểu từ UAE lên án những cáo buộc ông mang theo tiền trước khi rời khỏi đất nước đồng thời nhấn mạnh rằng ông đang tổ chức các cuộc tham vấn cho đến khi trở lại để tiếp tục nỗ lực đạt được công lý cho người Afghanistan.
Đáng chú ý, UAE là một trong 3 quốc gia công nhận chế độ Taliban từ năm 1996 đến 2001, khi Mỹ lật đổ chế độ này. Như các quan chức Bộ Ngoại giao UAE tuyên bố việc tiếp nhận các cựu quan chức và người dân các nước là vì nhận đạo ở cấp độ toàn cầu. Theo yêu cầu của Mỹ, UAE cũng sẽ tiếp nhận 5.000 công dân Afghanistan trước khi họ rời đi các nước khác.
UAE cũng tạo điều kiện cho hàng chục chuyến bay chở hàng trăm công dân nước ngoài rời Afghanistan, bao gồm một số nhà ngoại giao, nhân viên các quốc tịch khác nhau và nhân viên tổ chức phi chính phủ đến các sân bay của nước này. Đây là bằng chứng về cam kết của UAE trong việc tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong những thời điểm cần thiết. UAE luôn tìm kiếm các giải pháp hòa bình và đa phương cũng như mong muốn tiếp tục làm việc với các đối tác quốc tế để thúc đẩy các nỗ lực giúp đỡ người dân Afghanistan trong thời gian này. Quốc tế liên tục ca ngợi những nỗ lực của UAE kể từ khi thành lập, trong đó khối lượng viện trợ nước ngoài của UAE lên tới 320 tỷ dirham cho 201 quốc gia.
Đây không phải là lần đầu tiên quốc gia vùng Vịnh này tiếp nhận các cựu quan chức hoặc người thân của họ sau khi họ bị lật đổ. Năm 2017, UAE tiếp đón cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, người bị kết án 5 năm tù vắng mặt. Cựu Quốc vương Tây Ban Nha, Juan Carlos, buộc phải rời khỏi đất nước của mình vào ngày 3 tháng 8 năm 2020, đến Emirates để sống một cuộc sống xa hoa lưu vong do các cuộc điều tra tham nhũng.
Không chỉ các chính trị gia, các quan chức, mà bất kỳ ai có nhu cầu tị nạn đều được UAE tạo điều kiện mà không cần bất kỳ điều kiện nào. Nước này ủng hộ mạnh mẽ công tác nhân đạo nói chung và người tị nạn nói riêng. Chính quyền UAE có nhiều sáng kiến, công trình và quỹ đễ hỗ trợ người tị nạn trên toàn cầu, đặc biệt là các nước đang chịu ảnh hưởng của chiến tranh, xung đột như Syria, Sudan, Ethiopia, Jordan…
UAE đã áp dụng một chiến lược hợp tác và cộng sinh trong mối quan hệ với các quốc gia Hồi giáo, cho dù là các quốc gia trong khu vực Arab hay bên ngoài. Số quốc gia được hưởng lợi từ các chương trình viện trợ phát triển và nhân đạo lên tới con số 178 quốc gia trên thế giới và khoản viện trợ được chia thành 3 hạng mục chính: Đầu tiên là viện trợ phát triển, viện trợ nhân đạo và viện trợ từ thiện, tất cả viện trợ này nhằm xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ trẻ em, hỗ trợ giao thông và cơ sở hạ tầng.
Nước này chấp nhận công dân của 200 quốc gia được sống và đảm bảo quyền tự do cho họ. Thành phố Nhân đạo Quốc tế ở Dubai, là trụ sở hậu cần nhân đạo lớn nhất trên thế giới, đóng một vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ các ứng phó ban đầu hiệu quả đối với các cuộc khủng hoảng ở cấp độ toàn cầu. Thành phố này có khoảng 80 tổ chức Liên Hợp Quốc, các tổ chức phi chính phủ quốc tế, các tổ chức liên chính phủ và các doanh nghiệp nhân đạo. Do vị trí chiến lược của thành phố ở Dubai, các tổ chức nhân đạo có thể phản ứng nhanh với thảm họa và cung cấp hàng cứu trợ cho gần 2/3 thế giới một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất có thể.
Bên cạnh việc tăng cường năng lực của các trung tâm tiếp nhận và trú ẩn khẩn cấp cho những người tị nạn, UAE hợp tác chặc chẽ với Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (viết tắt là UNHCR) để có thể đảm bảo các quyền cho người tị nạn và cung cấp cho họ các dịch vụ bảo vệ khẩn cấp, đặc biệt là đối với phụ nữ, trẻ em và thanh thiếu niên. Các nhà lãnh đạo UAE luôn cam kết hỗ trợ người tị nạn, cung cấp dịch vụ chăm sóc tốt hơn cho người tị nạn, hỗ trợ các chương trình để người tị nạn tự nguyện trở về nước và cung cấp cho họ các phương tiện ổn định trong cuộc sống.
Như vậy người tị nạn nói chung và các chính trị gia cao cấp nói riêng tới UAE sẽ được chính quyền nước này và các tổ chức của Liên Hợp Quốc bảo vệ và bảo đảm các quyền cơ bản. Trong trường hợp khẩn cấp nhiều chính trị gia chọn UAE để tị nạn tạm thời trước khi đi tới nước thứ ba như Mỹ. Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và gia đình nhiều khả năng sẽ tới Mỹ trong những ngày tới.
Thứ hai, UAE và các quốc gia vùng Vịnh không phải là thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về người tị nạn năm 1951. Do đó, họ có thể tiếp nhận người tị nạn trên khắp thế giới vì lý do nhân đạo. Ngoài ra, các quốc gia vùng Vịnh cũng có tiềm lực kinh tế nhưng về mặt văn hóa, các quốc gia vùng Vịnh hiếm khi cấp quyền công dân cho người nước ngoài, ngay cả những người nhập cư giàu có làm việc nhiều năm ở các vị trí cấp cao. Bằng cách này, các quốc gia này có thể bảo vệ dân số bản địa của họ và bảo vệ quyền được hưởng lợi từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên có giá trị. Bên cạnh đó, UAE và các các nước vùng Vịnh chấp nhận người tị nạn vì đây là lực lượng lao động giá rẻ./.