Nông nghiệp và người nông dân ở Đan Mạch dưới góc nhìn của thực tập sinh Khoa Chăn nuôi

Đan Mạch là một quốc gia nằm trong khu vực Bắc Âu vô cùng giàu có và xa xỉ nhưng rất coi trọng ngành nông nghiệp, lấy nông nghiệp làm gốc để phát triển kinh tế với quan niệm: “Sự giàu có của một quốc gia là phát triển nông nghiệp chứ không phải là thương mại”. Đất nông nghiệp chiếm 61% diện tích lãnh thổ Đan Mạch. Các trang trại có diện tích trung bình khoảng 77 ha trong đó có có tới hơn 20% trang trại có diện tích trên 100 ha.
Dân số Đan Mạch khoảng 5,8 triệu dân (04/2020), nhưng số lương thực, thực phẩm tạo ra từ nông nghiệp có thể cung cấp cho 15 triệu dân. Riêng đối với chăn nuôi lợn có thể sản xuất được số lượng lợn gấp 5 lần dân số tức 30 triệu con/năm. Đây thực sự là những con số vô cùng ấn tượng. Nguồn lao động trong ngành nông nghiệp chỉ chiếm 2,5% dân số. Trong đó giữ vai trò là chủ trại chưa đến 1% nhưng lại nắm giữ 61% diện tích đất Đan Mạch. Vậy nên việc một người nông dân nắm giữ các trang trại vài trăm ha là điều quá bình thường tại Đan Mạch và tất nhiên là họ vô cùng giàu có.
Việc sẵn sàng đầu tư cho nông nghiệp về trang thiết bị và máy móc hiện đại là phổ biến ở Đan Mạch. Chính vì vậy, lao động trong ngành nông nghiệp không cần quá nhiều. Ví dụ 1 trang trại lợn 1000 nái ở Đan Mạch chỉ cần tối đa 7 người, mỗi người chỉ làm 32 tiếng/1 tuần. Tại trại mình đang thực tập có 500 nái nhưng chỉ có 3 lao động mà nhiều khi còn không có việc để làm. Còn 1 cánh đồng lúa mì 100 ha thì chỉ cần 3 người làm bao gồm: 2 người lái xe tải, 1 người lái trắc tơ, làm chăm chỉ vài ngày là gặt xong.
Mình coi người chủ trang trại ở đây là những “siêu nhân” vì công sức và thời gian cũng như tâm huyết họ bỏ ra cho trang trại của mình. Chính vì sở hữu đất với diện tích lớn nên các chủ trang trại làm việc vô cùng chăm chỉ và bận rộn từ sáng đến đêm. Đặc biệt là khoảng thời gian từ giữa mùa xuân đến đầu mùa thu vì vừa trồng trọt, vừa chăn nuôi. Điển hình như chủ trại mình thực tập, ông sở hữu cả trang trại chăn nuôi lẫn trang trại trồng trọt với tổng diện tích trên 200 ha bao gồm trang trại chăn nuôi 500 heo nái là gần 0,4ha và diện tích các cánh đồng trồng trọt khoảng 200 ha. Chính vì vậy, trang trại của ông có thể cung cấp 80% lượng thức ăn cho lợn và 20% còn lại là các chất phụ gia khác để trộn cùng được mua từ các công ty.
Việc kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt giúp giảm được giá thành chăn nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho cả trồng trọt và chăn nuôi. Các sản phẩm phụ như rơm cũng được tận dụng một cách triệt để vừa giúp giảm chi phí chất độn chuồng, bổ sung lượng chất xơ giúp heo bớt tiêu chảy vừa đảm bảo được luật Animal Welfare. Ông chủ trang trại của mình thực sự là một “siêu nhân”. Ông ấy chỉ nghỉ duy nhất 5 ngày/năm, đó là khoảng thời gian dành cho kỳ nghỉ cùng gia đình còn lại ông dành trọn 360 ngày cho công việc. Trong khi đó một công nhân có 5 tuần nghỉ cho holiday và thêm những ngày nghỉ lễ và thứ 7, chủ nhật hàng tuần. Vào mùa đông, chủ trại sẽ rảnh hơn thì ông thường đọc sách. Ông có một phòng sách rất to. Trong quá trình làm việc mình học hỏi từ ông chủ rất nhiều điều từ sự điềm đạm, bình tĩnh giải quyết công việc trong mọi hoàn cảnh. Tính mình hay hậu đậu, lúc nhớ, lúc quên, ông chủ chỉ mình từng lỗi sai dù là nhỏ nhất, nhờ vậy mà mình thấy mình tỉ mỉ hơn rất nhiều. Vậy nên mình cực kì kính trọng và hâm mộ ông ấy.
Đặc biệt, những người nông dân Đan Mạch có tính đa nhiệm cao. Họ có thể lái mọi loại xe tải, máy kéo, máy làm cỏ thậm chí cả máy bay phun thuốc. Họ có đầu óc tính toán vô cùng tốt, hầu hết nông dân nói tiếng Anh rất trôi chảy mặc dù 50, 60 tuổi.
Trông người lại ngẫm đến ta: Việt Nam đất chật người đông, nông dân sở hữu các diện tích đất nhỏ, manh mún, cung cấp lương thực đủ ăn chứ không dư thừa. Chăn nuôi gặp khó khăn do vừa nhập giống vừa nhập thức ăn đến khi bán thì đầu ra không đảm bảo chủ yếu bán cho tư thương nên thường bị ép giá. Người nông dân luôn rơi vào tình trạng được mùa mất giá và được giá thì mất mùa. Nhiều nông dân rơi vào tình trạng thua lỗ cũng là vì vậy. Lao động sử dụng sức người là chủ yếu nên tốn nhiều nhân công và vô cùng vất vả. Khí hậu cũng là một trở ngại lớn khi dịch bệnh dễ phát sinh và và khó kiểm soát.
Vậy lối thoát nào cho nào cho nông dân Việt Nam? Bài toán này vẫn chưa có được câu trả lời hợp lý nhất. Đặc biệt khi việc làm ăn nhỏ, lẻ, manh mún tự phát có thể sẽ phải nhường chỗ cho những nông dân, các công ty đầu tư có bài bản và có năng lực tài chính đảm bảo. Các hình thức chăn nuôi quy mô nhỏ sẽ phải nhường chỗ cho các chuỗi sản xuất khép kín đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng như đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng.
Mình có một anh bạn “thân ai người ấy lo” có ước mơ trở thành một người nông dân giỏi. Nếu như ở Đan Mạch thì mình nghĩ đây thực sự là một ước mơ bình thường như bao ngành nghề khác. Nhưng ở Việt Nam thì lại là “không bình thường”, đâu ai muốn vất vả và chỉ là đủ ăn. Bố mẹ mình nông dân còn muốn mình thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn. Nhưng với mình, ước mơ của bạn ấy làm mình thấy vô cùng tôn trọng và ủng hộ. Có thể mình là một người trẻ tuổi, chưa thể hiểu hết được nguyên nhân sâu xa, chưa đủ sức để tìm ra lối thoát. Nhưng tuổi trẻ là phải suy nghĩ lạc quan, tích cực. Mình không làm được thì chúng ta sẽ làm được. Chúng ta là thế hệ trẻ nắm giữ tương lai nền nông nghiệp nước nhà. Do vậy chúng ta cần thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy để trở thành những người nông dân đa nhiệm, kĩ sư chăn nuôi đa nhiệm, bác sĩ thú y đa nhiệm. Chúng ta hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ nhất từ ngày hôm nay để thay đổi tư duy: nông nghiệp không còn là vất vả mà nó là công việc quan trọng, áp dụng khoa học công nghệ để đó là nghề như vạn nghề khác mà chúng ta có thể lựa chọn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *