Phía sau vẻ hào nhoáng đẳng cấp của Dubai nơi được mệnh danh là miền đất hứa cùng hàng loạt kỷ lục thế giới là góc khuất tăm tối với cuộc sống những người lao động nghèo.
Dubai đang nổi lên như một miền đất hứa với cuộc sống đẳng cấp của giới thượng lưu, xô đổ hàng loạt kỷ lục trên thế giới. Nhưng ở một góc khuất phía sau đó là cuộc đời khổ nhọc tăm tối của những người lao động nghèo từ các quốc gia Nam Á tới nhập cư, mong ước về một hi vọng sớm đổi đời. Nhiếp ảnh gia Farhad Berahman người Iran đã ghi lại khoảnh khắc phản ánh phần nào trong cuộc sống tuyệt vọng của những con người ấy.
Tách biệt khỏi cuộc sống xa hoa của thành phố giàu có bậc nhất Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất là Sonapur, khu vực nằm ở ngoại ô Dubai, cách xa những trung tâm mua sắm sầm uất hay các tòa nhà chọc trời. “Sonapur” trớ trêu thay lại mang ý nghĩa “Thành phố vàng” trong tiếng Hindi. Đây là nơi tập trung hơn 150.000 công nhân lao động, chủ yếu đến từ Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Trung Quốc.
Hơn 30 năm trước, hầu hết diện tích ở Dubai vẫn là sa mạc. Nhưng nó nhanh chóng phát triển với tốc độ vũ bãi để trở thành trung tâm thương mại, điểm du lịch chính trong khu vực. Người lao động đổ tới vùng đất này lập nghiệp với ước mong đổi đời. Sống ở Dubai, người ta tự ngầm hiểu đang tồn tại những tầng lớp chính: dân Dubai chính gốc, người nước ngoài nhập cư tới làm việc và dân lao động.
Với người lao động nghèo, một số bị giữ hộ chiếu tại sân bay và phải làm việc cực nhọc dưới mức nhiệt sa mạc nóng bỏng, đổi lại vài đồng lương bèo bọt. Họ được đưa tới Sonapur để dễ bề quản lý. Farhad giải thích: “Rất nhiều công trình sang trọng nổi tiếng thế giới ở Dubai được xây dựng bởi mồ hôi nước mắt của người lao động nghèo. Họ thậm chí làm việc tới 14 tiếng mỗi ngày, dưới cái nóng 50 độ C ngoài trời. Ngược lại, người ta thường khuyên du khách không nên ở ngoài trời quá 5 phút vào mùa hè khi tới Dubai”.
Nhiếp ảnh gia người Iran có dịp tiếp xúc với một người lao động 27 tuổi, tên Jahangir từ Bangladesh. Anh chia sẻ, hàng tháng nhận được khoảng 800 UAE tiền lương, anh gửi về nhà khoảng 500 UAE và số tiền còn lại dùng cho việc thuê nhà, ăn uống. Khu nhà dành cho người lao động là căn bếp bẩn thỉu chật hẹp với hàng chục người ngồi xung quanh đó. Những người nước ngoài với mức thu nhập cao làm việc ở Dubai không bao giờ nhìn thấy góc khuất của thành phố này, nơi bị che giấu bởi các phương tiện truyền thông.
Để có những tấm hình này, nhiếp ảnh gia Farhad buộc phải đến khu ở chuột vào thời điểm ban đêm, lúc anh dễ dàng vượt mặt bộ phận an ninh. “Hầu hết ban ngày tôi dành để ngủ và đợi khi trời tối mới tác nghiệp”, anh nói. Trước đó, anh từng bị bắt giữ vì tới nơi nghiêm cấm chụp ảnh. Nhưng sau khi giả vờ là khách du lịch, phía cảnh sát đã cho anh đi. Nhiếp ảnh gia người Iran hi vọng, bộ hình phần nào phản ánh rõ nét cuộc sống thực tại của người lao động nghèo, nơi họ vẫn hàng ngày vận lộn ở nơi được coi là những gì phồn hoa thịnh vượng trên thế giới.