Môi trường pháp lý kinh doanh có gì đặc biệt ở New Zealand, Hàn Quốc và Đan Mạch ?

Theo World Bank, môi trường kinh doanh có thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) hay không dựa vào 12 yếu tố quan trọng như tiếp cận tài chính; bảo vệ nhà đầu tư, thuế, kí kết, thực thi hợp đồng, thương mại xuyên biên giới, tác động của môi trường pháp lý về kinh doanh…

Với tiêu chí trên, New Zealand thường xuyên đứng đầu danh sách. Đan Mạch, Mỹ và Singapore cũng là các nước được đánh giá rất cao – là những nền kinh tế tốn ít thời gian nhất trong việc xử lý thuế, thực thi hợp đồng kinh doanh. Đặc biệt Hàn Quốc là một trong những quốc gia có hệ thống pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ rất phát triển, tiệm cận với các quy tắc về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của WTO và tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).

Chúng ta cùng tìm hiểu xem môi trường pháp lý kinh doanh ở New Zealand, Đan Mạch , Hàn Quốc có gì đặc biệt nhé…!?

New Zealand : chỉ cần nửa ngày để bắt đầu kinh doanh

Theo báo cáo của WB, New Zealand được đánh giá có môi trường thuận lợi hàng đầu thế giới để kinh doanh, đầu tư. Vị trí này của New Zealand được duy trì nhiều năm.
New Zealand được xếp hạng số 1 trên một nửa các đánh giá, bao gồm khởi nghiệp, giấy phép xây dựng, đăng ký tài sản, tín dụng và bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ.

 

(Ảnh minh họa)

Báo cáo của WB nhấn mạnh đến những quy định tạo thuận lợi cho kinh doanh, đầu tư của các cơ quan Chính phủ New Zealand thông qua chương trình nghị sự tăng trưởng kinh doanh toàn diện để giảm chi phí kinh doanh, cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, cam kết của Chính phủ nhằm tiếp tục làm việc hiệu quả hơn để tạo thuận lợi hơn nữa đối với hoạt động doanh nghiệp.

Phương pháp quản lý hợp lý thị trường của New Zealand đã tạo ra một nền kinh tế cạnh tranh, hiệu quả và cung cấp nhiều việc làm tốt hơn với đồng lương cao hơn cho người dân New Zealand và gia đình của họ.

Tuy vậy, chính sách cho phép dễ dàng thành lập một DN mới không đồng nghĩa rằng các DN vừa và nhỏ sẽ đóng vai trò chủ chốt trong nền kinh tế quốc dân. Chẳng hạn New Zealand là một trong những nước tạo điều kiện thuận lợi nhất cho giới DN nhỏ. Tuy nhiên, đảo quốc này chỉ đứng thứ 21 trong số 29 quốc gia có thêm nhiều DN vừa và nhỏ và cũng chỉ đứng thứ ba về số người dân làm việc cho các tập đoàn lớn.

Năm 2019, New Zealand đã quyết định bỏ hai loại thuế để hỗ trợ DN địa phương phát triển bền vững hơn và toàn diện hơn. Để đơn giản hóa và giảm thiểu chi phí, đặc biệt đối với các DN vừa và nhỏ, các Bộ trưởng đã đề xuất rằng các mức chi tiêu đủ điều kiện với tổng giá trị dưới 10.000 NZD (6.275 USD) sẽ được khấu trừ thuế ngay lập tức. Việc khấu trừ có thể được kéo dài trong 5 năm. Phương án trên sẽ được đưa vào một dự luật thuế trình lên Quốc hội vào đầu năm 2020. Theo đó, chính sách thuế sẽ thay đổi có thể bắt đầu từ đầu năm tiếp theo.

Đề xuất thứ hai được công bố vào tháng 9/2019 đã thay đổi quy tắc thua lỗ liên tục của New Zealand để giúp các công ty khởi nghiệp dễ dàng thu hút đầu tư và khởi đầu kinh doanh.

Theo quy định hiện tại, một công ty bị lỗ một năm có thể sử dụng khoản lỗ đó để giảm thu nhập chịu thuế trong tương lai, nhưng quy tắc này không phù hợp cho những doanh nghiệp khởi nghiệp đang cố gắng thu hút đầu tư mới.

Những thay đổi trên là một phần của kế hoạch kinh tế của chính phủ dựa trên các sáng kiến đã được công bố, trong đó bao gồm khoản đầu tư 1 tỷ NZD (627,6 triệu USD) cho các ưu đãi thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường học nghề và đào tạo thương mại, đồng thời thay đổi quy định về nhập cư để giúp các doanh nghiệp tiếp cận với người lao động dễ dàng hơn./.

Hàn Quốc: Quốc gia có hệ thống pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ rất phát triển

Khi thiết kế hệ thống pháp luật Hàn Quốc đương đại (nhất là từ sau năm 1987), các nhà lập pháp của Hàn Quốc chia sẻ một nhận thức chung với quan điểm được thừa nhận rộng rãi ở các nước công nghiệp phát triển rằng “pháp quyền” là một thành tố thiết yếu của phát triển kinh tế. Nguyên tắc pháp quyền có vai trò thúc đẩy sự ổn định chính trị, kinh tế và xã hội, qua đó, các nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể lập kế hoạch kinh doanh, đầu tư của mình một cách thuận lợi và mang tính dài hạn.

(Ảnh minh họa)

Nhìn chung, Hàn Quốc có chính sách cởi mở đối với đầu tư nước ngoài, nhất là đối với các lĩnh vực về công nghệ cao và việc đầu tư vào các tổ hợp công nghiệp. Pháp luật không có quy định bắt buộc thành viên hội đồng quản trị phải có quốc tịch Hàn Quốc. Các lĩnh vực ưu đãi đầu tư được quy định khá rõ Luật ưu đãi thuế đặc biệt và Luật Khuyến khích đầu tư nước ngoài . Doanh nghiệp đầu tư trong các lĩnh vực ưu đãi đầu tư có thể được hưởng các ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tài sản.

Mặc dù vậy, Hàn Quốc không cho phép các lĩnh vực sau thu hút đầu tư nước ngoài: (1) Xử lý nhiên liệu hạt nhân; (2) Phát điện (hạn chế một phần); (3) Bán buôn thịt (hạn chế một phần); (4) Trồng lúa; (5) Phát thanh và truyền hình; (6) Viễn thông (hạn chế một phần); (7) Xuất bản báo, tạp chí (hạn chế một phần); (8) Vận tải hành khách và vận tải hàng hóa (hạn chế một phần).

Việc điều chỉnh các vấn đề về cạnh tranh trên thị trường được thực hiện theo quy định của Luật về điều tiết cạnh tranh và thương mại công bằng . Người vi phạm các quy định có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù. Doanh nghiệp vi phạm sẽ bị phạt tiền.

Liên quan tới lĩnh vực này còn một số đạo luật quan trọng khác như: Luật về quảng cáo và ghi nhãn công bằng .; Luật về quảng cáo trên các phương tiện phát thanh, truyền hình ; Luật về bảo hộ dữ liệu cá nhân ; Luật về việc khuyến khích sử dụng hệ thống truyền thông điện tử ; Luật về sử dụng và bảo hộ thông tin tín dụng và Luật về sử dụng và bảo hộ thông tin về địa chỉ; Luật về tên thật trong giao dịch tài chính và bảo đảm bí mật tài chính; Luật về bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử; Luật về trách nhiệm sản phẩm …

Hàn Quốc là một trong những quốc gia có hệ thống pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ rất phát triển, tiệm cận với các quy tắc về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của WTO và tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Người có hành vi vi phạm sáng chế có thể bị phạt tù tới 7 năm hoặc bị phạt tiền tới 100 triệu won (tương đương khoảng 2 tỷ VNĐ).

Đối với nhãn hiệu thương mại, việc bảo hộ được thực hiện theo quy định của Luật Nhãn hiệu thương mại . Riêng đối với các thương hiệu nổi tiếng, việc bảo hộ được thực hiện theo quy định tại Luật bảo hộ bí mật thương mại và ngăn ngừa hành vi cạnh tranh không lành mạnh . Người có hành vi vi phạm nhãn hiệu cũng có thể bị phạt tù tới 7 năm hoặc bị phạt tiền tới 100 triệu won (tương đương khoảng 2 tỷ VNĐ).

Pháp luật về thương mại điện tử khá phát triển ở Hàn Quốc. Trong lĩnh vực pháp luật này, Hàn Quốc đã ban hành 4 đạo luật quan trọng là: Luật về chữ ký số; Luật khung về văn bản điện tử và các giao dịch điện tử; Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử; Luật về giao dịch tài chính điện tử.

Từ năm 2017, các cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc đã tích cực tiến hành việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Một trong những điểm rất đáng lưu ý là cách tiếp cận khi xử lý các vấn đề mới phát sinh từ cuộc CMCN 4.0 của Hàn Quốc. Đó là cách tiếp cận vận dụng tối đa nguyên tắc của nhà nước pháp quyền là “công dân được làm những gì pháp luật không cấm”. Theo cách tiếp cận này, trước những vấn đề mới phát sinh, tinh thần chung của các cơ quan có thẩm quyền là “Cho phép trước, quy định sau”.

Tại Hàn Quốc, Bộ luật đặc biệt về “Thúc đẩy công nghệ thông tin truyền thông và đẩy mạnh hội tụ công nghệ” quy định “chính quyền trung ương và địa phương về nguyên tắc cho phép và có trách nhiệm đẩy mạnh việc thực hiện các hoạt động kỹ thuật, dịch vụ nếu các hoạt động này không vi phạm các quy định pháp luật có liên quan, ví dụ như hoạt động hội tụ công nghệ thông tin truyền thông tiên tiến“. Quy định này là ví dụ điển hình cho nguyên tắc “được phép làm những gì pháp luật không cấm”. Tiếp đó, các cơ quan có thẩm quyền tạo lập ra các “Khu pháp lý đặc biệt” là khu vực miễn trừ pháp lý đặc biệt, chỉ được thành lập và vận hành tại một số vùng nhất định. Các lĩnh vực kinh doanh sáng tạo mới hoặc ngành công nghiệp chiến lược được triển khai trong khu vực này nếu gặp khó khăn do quy định hiện hành, có thể được (i) cấp giấy phép triển khai tạm thời hoặc (ii) được miễn trừ áp dụng một phần hoặc toàn bộ các quy định nếu vì mục đích kiểm thử các sản phẩm, dịch vụ sử dụng công nghệ mới.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng thiết lập các cơ chế hỗ trợ (thông qua ưu đãi thuế) trong đó có cả hỗ trợ cho các khởi nghiệp sáng tạo (start-up). Cụ thể, tại Hàn Quốc, chính phủ đang xem xét phương án áp dụng ưu đãi thuế không chỉ cho chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng và nghiên cứu phát triển, mà còn cho cả chi phí nhân công, bảo hiểm xã hội, thuế thu nhập cá nhân đối với các doanh nghiệp đầu tư trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, phát triển công nghệ mới…

Đan Mạch : “thiên đường” cho các nhà đầu tư kinh doanh….

Là một thành viên của EU, pháp luật và các quy định của Đan Mạch phù hợp với hầu hết các tiêu chuẩn của Liên minh này. Tuy nhiên đất nước Scandinavia này đã đàm phán với EU để có quyền hoạt động độc lập và vẫn giữ đồng Krone làm đơn vị tiền tệ chính thức thay vì đồng Euro.

Đan Mạch nằm ở Bắc Âu, kết hợp với Na Uy và Thụy Điển tạo thành khu vực Scandinavia trứ danh. Đan Mạch là một trong 3 quốc gia tạo thành Vương quốc Đan Mạch, bên cạnh 2 quốc gia tự trị là quần đảo Faroe ở Bắc Đại Tây Dương và Greenland ở Bắc Mỹ. Trong đó, Đan Mạch đóng vai trò chủ yếu trong việc lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Đây cũng là nơi có những điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước và đa quốc gia thành lập và phát triển.

Quốc gia này sở hữu một nền nông nghiệp công nghệ cao, ngành công nghiệp tiên tiến với những công ty hàng đầu thế giới về dược phẩm, vận tải hàng hải và năng lượng tái tạo và sự phụ thuộc cao vào ngoại thương.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Đan Mạch bao gồm máy móc (12,8 tỷ USD), dược phẩm (12,5 tỷ USD), thiết bị điện (8,8 tỷ USD), nhiên liệu khoáng sản (4 tỷ USD) và thiết bị quang học, kỹ thuật, y tế (3,9 tỷ USD). Các thị trường xuất khẩu chính của Đan Mạch là châu Âu (chiếm 73,6% tổng giá trị xuất khẩu), châu Á (13,4%), và Bắc Mỹ (6,6%).
Do nguồn tài nguyên khoáng sản không quá dồi dào, nên Đan Mạch cũng phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu cho ngành công nghiệp sản xuất.

 

(Ảnh minh họa)

Có rất nhiều yếu tố chứng minh Đan Mạch là một nơi tuyệt vời để đầu tư, kinh doanh, và đặt trụ sở công ty không chỉ của các công ty đa quốc gia mà còn cả của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước.

Quốc gia Bắc Âu này có một môi trường kinh doanh an toàn. Theo số liệu của tổ chức Transparency International, Đan Mạch san sẻ vị trí thứ 1 với New Zealand trong bảng xếp hạng Chỉ số nhận thức tham nhũng. Điều này có nghĩa là tình trạng hối lộ, tham nhũng gần như không tồn tại ở Đan Mạch và quốc gia này cũng là nơi có hoạt động kinh doanh minh bạch nhất thế giới.

Còn theo World Bank, Đan Mạch là số 1 châu Âu trong nhiều năm liên tiếp về sự dễ dàng trong việc kinh doanh. Ví dụ, việc thành lập một doanh nghiệp mới chỉ cần tốn vài giờ đồng hồ thông qua dịch vụ đăng ký online với một chi phí rất thấp. Trong khi đó, cấp giấy phép cư trú và giấy phép lao động cho người nước ngoài có thể được hoàn thành trong vòng 5 tuần. Bên cạnh đó, Chính phủ Đan Mạch có một chính sách thuế thúc đẩy sự đổi mới.

Hoạt động R&D có tỷ lệ rủi ro khá cao mà chi phí lại đắt đỏ cũng như tốn khá nhiều thời gian. Do đó, các doanh nghiệp khá rụt rè khi đầu tư vào hoạt động này, nhưng ở Đan Mạch, mối lo đó sẽ được loại bỏ, vì chính phủ nước này sẽ bồi hoàn các khoản lỗ do R&D gây ra cho doanh nghiệp.

Một yếu tố không thể không nhắc đến chính là nguồn nhân lực. Người dân Đan Mạch có trình độ học vấn cao với khả năng ngoại ngữ xuất sắc. Một tỷ lệ cao dân số có bằng đại học. Độ thông thạo tiếng Anh của họ được xếp hàng thứ 2 trên thế giới (chỉ đứng sau Hà Lan), và một nửa dân số Đan Mạch giao tiếp được bằng tiếng Đức.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *