Hợp tác lao động Việt Nam – Nhật Bản: “Tiềm năng rất lớn, nhu cầu rất cao”

Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam – Nhật Bản là diễn đàn quốc gia đầu tiên về lao động tổ chức tại nước ngoài, đặc biệt hơn là tổ chức ở Nhật – nơi có hơn 500.000 người Việt đang học tập và làm việc.

Chiều 16/12, tại Trung tâm hội nghị Belle Salle Hanzomon ở Thủ đô Tokyo, Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương của Việt Nam và Nhật Bản dự Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam – Nhật Bản.

Khán phòng tầng 3 của Trung tâm hội nghị với sức chứa gần 500 người ngay từ khi sự kiện chưa diễn ra, đã không còn một chỗ trống.

Với thời điểm tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam – Nhật Bản còn mang một ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

“Lần đầu tiên chúng ta tổ chức một sự kiện có quy mô, tầm vóc lớn như hôm nay. Rất nhiều nghiệp đoàn, tổ chức, doanh nghiệp đăng ký nhưng không thể tham gia vì số lượng người quá lớn so với dự kiến”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

Một điều đặc biệt khác, theo Bộ trưởng Dung, là sự tham gia của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Diễn đàn, cho thấy sự quan tâm và tình cảm đặc biệt của lãnh đạo Chính phủ đối với người lao động Việt Nam tại Nhật Bản.

Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết đến nay, có 350.000 người lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản. Việt Nam cũng là quốc gia đứng đầu trong số 15 nước phái cử thực tập sinh, lao động sang Nhật Bản.

“Năm 2023 đánh dấu cột mốc mới khi số lượng lao động Việt Nam sang Nhật Bản lớn nhất từ trước đến nay, đạt 85.000 người. Điều này khẳng định lao động Việt Nam luôn nhận được sự đánh giá cao, sự tin tưởng của các nghiệp đoàn, các doanh nghiệp Nhật Bản, cũng cho thấy lao động Việt rất yên tâm khi đến mảnh đất này”, theo lời Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

Đưa ra nhận định, Bộ trưởng cho rằng hợp tác lao động Việt Nam – Nhật Bản đã và đang phát triển một cách nhanh chóng, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực.

Hiện nay, Việt Nam hợp tác lao động với Nhật Bản trên 3 lĩnh vực, gồm lao động, dạy nghề và giáo dục nghề nghiệp; an sinh xã hội.

Trong đó riêng về lĩnh vực lao động, hiện có 220.000 thực tập sinh kỹ năng, gồm chương trình phi lợi nhuận do tổ chức IM Japan tổ chức, tiếp nhận trên 9.000 người. “Năm 2023 có 700 con em đồng bào dân tộc thiểu số được chương trình tổ chức đi lao động ở Nhật bằng hình thức miễn phí 100%”, Bộ trưởng Dung cho biết.

Những con số này, theo Bộ trưởng Lao động Đào Ngọc Dung, cho thấy tiềm năng hợp tác lao động giữa Việt Nam và Nhật Bản là rất lớn, nhu cầu rất cao.

Nhắc đến mốc thời gian năm 2019, lần đầu tiên Nhật Bản ký Hiệp định với Việt Nam về mặt cấp quốc gia trong lĩnh vực lao động – việc làm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Bộ Tư pháp Nhật Bản sớm chủ trì tổ chức thi chọn lao động kỹ năng đặc định cho lao động Việt Nam theo Hiệp định giữa hai quốc gia.

Ông Takemi Keizo Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, cũng khẳng định tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung và trong lĩnh vực lao động nói riêng, là vô hạn.

Ghi nhận Việt Nam đã phái cử nhiều lao động chất lượng cao sang Nhật Bản, đóng góp lớn cho kinh tế quốc gia này, ông Takemi Keizo thể hiện mong muốn hai bên hợp tác, phát triển hơn nữa về nguồn nhân lực.

“Chúng tôi muốn sửa đổi chế độ để người lao động Việt Nam yên tâm làm việc ở Nhật Bản, đồng thời tiếp tục xây dựng cơ chế tiếp nhận điều dưỡng viên, nhân viên kỹ thuật người Việt”, ông Takemi Keizo tin Nhật Bản và Việt Nam sẽ hợp tác bền chặt về phát triển nhân lực, qua đó giúp quan hệ hai nước ngày càng phát triển.

Mong lao động Việt học tập phong cách chuyên nghiệp của người Nhật

Trước khi phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã cùng đem những món quà quê hương tặng cho các thực tập sinh và lao động người Việt tại Nhật tham dự Diễn đàn.

“Đây là diễn đàn quốc gia đầu tiên về lao động tổ chức tại nước ngoài và rất vui mừng tổ chức tại Nhật Bản, nơi có hơn 500.000 người Việt đang sinh sống, làm việc, trong đó có 350.000 người lao động Việt”, Thủ tướng nói.

Ông chia sẻ cách đây 50 năm, không ai nghĩ quan hệ Việt Nam và Nhật Bản có thể tốt đẹp như ngày hôm nay. Nhưng nhìn lại chặng đường đã qua, người đứng đầu Chính phủ đánh giá mối quan hệ hai nước không ngừng phát triển, mà thành công nổi bật là đã kết nối “từ trái tim đến trái tim”, trong đó có kết nối lao động.

Với thực tế số lượng lao động người Việt Nam tại Nhật Bản không ngừng tăng nhanh, Thủ tướng lý giải do tình cảm và mối lương duyên tốt đẹp giữa hai nước.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Nhật Bản có thể bổ sung cho nhau về nhiều mặt, điển hình trong lĩnh vực lao động, khi Nhật Bản mang nỗi lo già hóa dân số, thách thức này có thể được giải quyết bằng việc bù đắp dân số vàng của Việt Nam. Đây là điểm sáng trong hợp tác hai nước thời gian qua, theo nhìn nhận của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam.

Hợp tác lao động Việt Nam - Nhật Bản: Tiềm năng rất lớn, nhu cầu rất cao - 4
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong các lao động Việt Nam học hỏi phong cách làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp của người Nhật (Ảnh: Đoàn Bắc).

Ông chia sẻ Việt Nam là nước đang phát triển, để thích ứng với tốc độ phát triển về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng, bởi con người là yếu tố quyết định tất cả.

Thông qua hoạt động hợp tác với Nhật Bản, Thủ tướng lưu ý Việt Nam cần hướng đi thiết thực, phù hợp thực tế, như tuyển dụng, phái cử lao động có trình độ, kỹ năng; có khát khao học hỏi, kiên trì, vươn lên bắt kịp sự phát triển của thời đại trong những lĩnh vực mới như bán dẫn, công nghệ thông tin.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị Nhật Bản tập trung đào tạo nhân lực, không chỉ cho Việt Nam mà cho cả các nước khác, nhằm thúc đẩy hợp tác về nhân lực hiệu quả, bền vững theo định hướng “hai bên cùng thắng”.

Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan chức năng của Nhật Bản và Việt Nam phối hợp, tạo điều kiện sống và làm việc tốt nhất cho lao động Việt Nam trong điều kiện có thể, nhằm giảm thiểu rủi ro và sự bất bình đẳng, để người lao động an tâm làm việc.

Bên cạnh đó, Thủ tướng mong cơ quan hai nước phối hợp chặt chẽ, khơi thông điểm nghẽn, giải quyết bất cập như miễn giảm thuế thu nhập, thuế cư trú với lao động người Việt.

Hợp tác lao động Việt Nam - Nhật Bản: Tiềm năng rất lớn, nhu cầu rất cao - 5
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cùng đem những món quà quê hương tặng cho các thực tập sinh và lao động người Việt tại Nhật (Ảnh: Đoàn Bắc).

Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị Nhật Bản tạo điều kiện đơn giản hóa trong cấp thị thực, hướng tới miễn thị thực cho công dân Việt Nam, như Việt Nam đã làm.

Với thực tập sinh, lao động Việt Nam, Thủ tướng mong quãng thời gian ở Nhật Bản sẽ là những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời của họ. Dẫn câu nói “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, Thủ tướng tin tưởng những người lao động đi quãng đường dài từ Việt Nam sang Nhật Bản sẽ có sự trưởng thành về mọi mặt, tận dụng tốt cơ hội sống và làm việc tại Nhật Bản, học tập phong cách, thái độ làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp của người Nhật Bản, để quay trở về xây dựng đất nước.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *