Từ ngày 1/1/2024, Hàn Quốc chính thức áp dụng mức lương tối thiểu tính theo giờ lên 9.860 won (tăng 240 won), đồng thời mức lương tối thiểu tính theo tháng cũng tăng lên 2.060.740 won, áp dụng cho người lao động làm việc trong tất cả doanh nghiệp…
Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), phía Hàn Quốc vừa có thông báo áp dụng mức lương tối thiểu mới trong năm 2024.
Theo đó, từ ngày 1/1/2024, Hàn Quốc chính thức áp dụng mức lương tối thiểu, cụ thể như sau: Mức lương tối thiểu tính theo giờ: 9.860 won (tăng 240 won, tỷ lệ tăng 2,5% so với mức lương tối thiểu năm 2023).
Mức lương tối thiểu tính theo tháng (theo tiêu chuẩn 40 giờ/tuần, 209 giờ/tháng): 2.060.740 won. Thời gian áp dụng từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 31/12/2024.
Mức lương này được áp dụng đồng nhất trong tất cả doanh nghiệp không phân biệt loại hình doanh nghiệp.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nay Hàn Quốc đã trở thành một trong những thị trường lao động trọng điểm, thu hút nhiều lao động Việt Nam sang làm việc. Riêng trong năm 2023, đã đưa được 11.626 lao động (1.073 nữ) sang thị trường này.
Thời gian qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam cùng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã không ngừng mở rộng các hoạt động hợp tác toàn diện trong lĩnh vực lao động, việc làm và giáo dục nghề nghiệp.
Những năm gần đây, do già hóa dân số, Hàn Quốc ngày càng thiếu hụt nhân lực, nhất là trong các ngành công nghiệp sản xuất chế tạo, đóng tàu, công nghệ thông tin, nông nghiệp chăn nuôi, thu hoạch rau quả, thủy sản đánh bắt cá, du lịch, dịch vụ bán lẻ, điều dưỡng, giúp việc nhà.
Chính phủ Hàn Quốc đang tích cực điều chỉnh chính sách để thu hút nhiều nhân lực nước ngoài như tăng hạn ngạch theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (Chương trình EPS), kéo dài thời gian làm việc đối với lao động nông nghiệp thời vụ, mở rộng tiếp nhận nhân lực trong ngành đóng tàu với các điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động.
Đối với người lao động Việt Nam, Hàn Quốc là thị trường có thu nhập cao, gần gũi về văn hóa nên thu hút nhiều lao động lựa chọn sang làm việc. Thu nhập bình quân của người lao động từ 1.500 – 2.000 USD/tháng.
Năm 2023, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp với các đơn vị liên quan đàm phán và trình Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ký Bản Ghi nhớ Bản ghi nhớ (MOU) với Bộ Việc làm – Lao động Hàn Quốc về Chương trình EPS.
Bản Ghi nhớ về hợp tác đào tạo nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc trong ngành đóng tàu tại Hàn Quốc với Tập đoàn Hyundai Mipo…
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 16/2023/QĐ-TTg ngày 1/6/2023 về thực hiện hỗ trợ cho vay để ký quỹ tại Ngân hàng chính sách xã hội đối với người lao động thuộc đối tượng chính sách đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS của Hàn Quốc.
Ngoài Hàn Quốc, các thị trường khác cũng tiếp tục được duy trì, ổn định; đồng thời, từng bước mở rộng đối với những thị trường mới, thị trường tiềm năng như Châu Âu, Australia…
Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 159.986 lao động (55.804 nữ), đạt 133,3 % kế hoạch được giao (110.000 – 120.000 lao động).
Trong đó, Nhật Bản đứng đầu về số lao động xuất cảnh Việt Nam với 80.010 lao động (34.523 nữ); xếp thứ hai là Đài Loan (Trung Quốc) 58.620 lao động (18.430 nữ); theo sau là Hàn Quốc 11.626 lao động (1.073 nữ).
Các thị trường tiếp nhận trên 1.000 lao động nữa là Trung Quốc với 1.806 lao động (2 nữ); Hungary 1.539 lao động (735 nữ); Singapore 1.355 lao động nam.
Một số thị trường có số lao động đi làm việc dưới 1.000 người là Rumani 840 lao động (159 nữ); Ba Lan 797 lao động (155 nữ); Hồng Kông 584 lao động nam; Malaysia 480 lao động (185 nữ); Ả rập Xê út 444 lao động (352 nữ); Liên bang Nga 266 lao động (39 nữ); Macao 169 lao động (50 lao động nữ) và một số thị trường khác.
Trong năm 2024, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa 125.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định; ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Cùng với đó, Bộ tiếp tục hoàn thiện, thúc đẩy ký kết, cũng như sửa đổi, bổ sung các Thỏa thuận, Bản Ghi nhớ về hợp tác lao động; đẩy mạnh công tác gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp dịch vụ để đào tạo, chuẩn bị nguồn và nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài…