Đại học dồn lịch học để sinh viên đi làm thêm

Nhiều đại học xếp lịch học tập trung trong 2-3 ngày mỗi tuần để sinh viên có thời gian đi làm thêm.

Từ năm ngoái, Đại học De Montfort ở Leicester đã thử nghiệm thời khóa biểu thu gọn. Thay vì học 4 môn cùng lúc với khoảng hai giờ một môn mỗi tuần, sinh viên sẽ học một môn liên tục trong nửa kỳ. Như vậy, họ vẫn đủ 4 môn một năm theo quy định.

Cách làm này đang được nhiều trường áp dụng. Các tiết học và buổi thảo luận được sắp xếp chỉ trong 2-3 ngày chứ không rải rác cả tuần như trước. Việc này nhằm giúp sinh viên có thời gian đi làm thêm, vượt qua cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí.

Giáo sư Katie Normington, Phó hiệu trưởng Đại học De Montfort, đánh giá lịch học tập trung ảnh hưởng tích cực lên đời sống sinh viên.

“Rất nhiều sinh viên đang làm việc và gánh nhiều trách nhiệm khác. Thời khóa biểu như vậy giúp các em sắp xếp thời gian tốt hơn”, bà nói.

Nhiều người trẻ ở Anh gặp khó khăn tài chính khi bước vào kỳ học tới do gia đình không thể hỗ trợ, khoản vay sinh viên thì hầu như không đủ trả tiền thuê nhà. Theo UCAS, một tổ chức hỗ trợ tuyển sinh đại học, 2/3 sinh viên năm thứ nhất muốn làm việc bán thời gian để duy trì việc học. Nhiều người phải bỏ bữa, làm tăng ca và dựa vào thẻ tín dụng để “tồn tại”. Số sinh viên đang làm thêm khoảng hơn 50%, tăng so với tỷ lệ 45% của năm 2022 và 34% năm 2021.

Tại các khu vực nghèo nhất của London như Barking hay Dagenham, cuộc sống của nhiều người phụ thuộc hoàn toàn vào tiền làm thêm.

“Họ làm việc gần 5 ngày mỗi tuần và dành thời gian còn lại để học. Đây không phải công việc bán thời gian nữa, mà là toàn thời gian. Sự nỗ lực của họ rất đáng nể”, John Dishman, Phó hiệu trưởng kiêm Giám đốc điều hành Đại học Conventry, nói. Nhiều trường thành viên của đại học này cũng xếp lịch học 2-3 ngày mỗi tuần.

Sự thay đổi của các trường nhận được phản hồi tích cực từ sinh viên. Nhiều cuộc khảo sát nội bộ năm ngoái cho thấy sinh viên học theo thời khóa biểu tập trung hài lòng hơn 10% so với sinh viên học theo lịch thông thường.

Ngoài ra, quy định mới cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên ở xa. Theo Giáo sư Normington, nếu chỉ cần đến trường một vài buổi nhất định, sinh viên sẽ đỡ tốn thời gian và chi phí di chuyển.

Sinh hoạt phí hiện là mối lo hàng đầu của sinh viên Anh. Theo một khảo sát, 3/4 trong số 10.000 người cho rằng vấn đề sinh hoạt phí ảnh hưởng đến việc học của họ, thậm chí là nguyên nhân chính khiến họ cân nhắc bỏ học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *