Cha mẹ nên tìm hiểu trường, ngành và học bổng dựa trên nhu cầu, năng lực của con, tài chính gia đình hoặc tham khảo ý kiến từ chuyên gia, cựu du học sinh Mỹ.
Mỹ là một trong ba quốc gia có nhiều du học sinh Việt Nam nhất. Theo khảo sát của Hệ thống thông tin sinh viên và khách trao đổi (SEVIS) của Bộ An ninh nội địa và Bộ Ngoại giao Mỹ, tính đến năm 2022, nước này có gần 30.000 sinh viên từ Việt Nam.
Việt Nam cũng nằm trong top 10 thị trường nguồn học sinh, sinh viên quốc tế tại Mỹ, trong đó, đứng thứ 5 trong bậc học phổ thông (K-12) và đứng thứ 2 với bậc cao đẳng, đại học.
Trong khi đó, theo một nghiên cứu của tổ chức giáo dục INTO vào năm 2022 với 1.000 bạn trẻ gen Z (sinh năm 1997-2012), ưu tiên hàng đầu của sinh viên khi du học là cải thiện kỹ năng tiếng Anh và nâng cao triển vọng nghề nghiệp. Trong đó, cứ 5 bạn trẻ thì có 4 người cho biết cha mẹ là người có ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định du học.
Theo đó, sự đồng hành của cha mẹ trong hành trình này là yếu tố rất quan trọng đối với hành trình du học của các bạn trẻ. Để con du học hiệu quả, các gia đình cần có sự tìm hiểu kỹ lưỡng về các chính sách, trường học, cuộc sống… tại Mỹ nếu con muốn tới đất nước này tiếp tục việc học.
Tham khảo thực tế từ chuyên gia, cựu sinh viên
Để đảm bảo góc nhìn thực tế, cha mẹ và học sinh, sinh viên có thể tìm hiểu trực tiếp với đại diện tuyển sinh của các trường, tổ chức tại Việt Nam. Tại đây, phụ huynh có thể nắm bắt thông tin trường, ngành học, học bổng và chi phí ký túc xá, chính sách hỗ trợ tài chính.
Một khảo sát của INTO vào năm 2022 cũng ghi nhận hơn 60% phụ huynh và học sinh gen Z cho rằng việc gặp mặt trực tiếp với đại diện các trường là yếu tố quan trọng, tác động đến quyết định du học. Việc này giúp mọi người đưa ra quyết định du học tốt nhất khi phải đối mặt với lượng thông tin lớn.
Theo đó, để chuẩn bị kỹ lưỡng cho con trước khi quyết định du học nói chung, học tập tại Mỹ nói riêng, các gia đình nên có sự trao đổi với đại diện tuyển sinh, chuyên gia hay các cựu du học sinh Mỹ. Các đối tượng này có thể đưa ra thông tin cá nhân hóa hơn, từ đó, chắt lọc được điều phù hợp với từng người.
Sắp tới, CEO Thái Vân Linh sẽ chia sẻ kinh nghiệm chọn ngành, trường, lộ trình chuẩn bị hồ sơ du học Mỹ trong hội thảo trực tuyến “Cha mẹ cần chuẩn bị gì để giúp con du học Mỹ thành công” của American Study, vào 19h30 ngày 26/7.
Doanh nhân Thái Vân Linh là nhà sáng lập và CEO Skills Bridge kiêm cố vấn cấp cao của Openspace Ventures – quỹ đầu tư mạo hiểm tại Singapore. Bà cũng trực tiếp trải nghiệm nền giáo dục Mỹ khi tốt nghiệp bằng danh dự Đại học Nam California (Mỹ) và sau đó, hoàn thành chương trình Thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Pennsylvania (Mỹ), ngôi trường thuộc khối Ivy League danh giá.
Với sự am hiểu tường tận về nền giáo dục Mỹ, nữ diễn giả sẽ giải đáp thắc mắc để phụ huynh, học sinh có góc nhìn đa chiều về quá trình học tập tại xứ sở cờ hoa.
Tại buổi hội thảo sắp tới, diễn giả Thái Vân Linh sẽ trình bày về những bài học, kinh nghiệm cá nhân trong việc chọn ngành, trường phù hợp. Qua đó, phụ huynh có thể định hướng và cùng con đặt mục tiêu rõ ràng trước khi bắt đầu thực hiện hành trình chinh phục “giấc mơ Mỹ”.
Nắm bắt sự khác biệt trong hệ thống giáo dục
Mỹ có hơn 4.000 cơ sở giáo dục đại học, trong đó có 7 trường nằm trong top 10 trường tốt nhất thế giới, theo Times Higher Education 2023. Quy mô và danh tiếng của nền giáo dục đã giúp nước này thu hút người trẻ trên toàn thế giới. Các môn học phổ biến nhất đối với sinh viên quốc tế tại đây là kinh doanh và quản lý, kỹ thuật, toán học, khoa học máy tính, khoa học xã hội.
Tuy nhiên, cũng bởi điều này, Mỹ có sự khác biệt lớn về lối giảng dạy, chi phí cũng như quy trình nộp đơn, xét duyệt. Do đó, phụ huynh nên cùng con cân đối việc chọn trường theo các khía cạnh về sự phù hợp phong cách học tập, khả năng trúng tuyển và năng lực tài chính của gia đình.
Ví dụ, các trường thuộc khối Ivy League như Đại học Havard, Đại học Cornell, Đại học Pensylvania… đã nhận hơn 300.000 đơn đăng ký vào năm 2021 và tỷ lệ chấp nhận trung bình là 6,1%.
Về chi phí, các trường công lập do Chính phủ tài trợ sẽ có học phí thấp hơn. Trong khi đó, hầu hết các trường nổi tiếng ở Mỹ như Harvard, Stanford hay Yale đều có mức học phí cao. Tuy nhiên các trường này có rất nhiều cơ hội hỗ trợ tài chính cho sinh viên.
Học phí tại Mỹ dao động từ 5.000 đến 50.000 USD mỗi năm. Trung bình, sinh viên tốt nghiệp với khoản học phí trị giá 132.860 USD. Lựa chọn về nhà ở của du học sinh Mỹ cũng rất đa dạng, từ đó, chênh lệch giữa các hình thức cũng khá lớn. Vì vậy, phụ huynh nên cùng con tìm hiểu, cân đối tài chính các từ trước để con không bị choáng ngợp và đảm bảo duy trì chương trình học trong suốt 3-4 năm.
Chuẩn bị hồ sơ đúng thời điểm
Mỹ là một trong những quốc gia khắt khe nhất trên thế giới về tiêu chí nộp đơn vào đại học. Thông thường, các trường đại học tại đây sẽ xem xét thành tích học tập trong 3-4 năm học trước đó, các hoạt động ngoại khóa, vị trí lãnh đạo và đặc điểm cá nhân của ứng viên.
Học sinh, sinh viên có thể nộp hồ sơ vào các trường đại học Mỹ theo ba thời điểm. Sớm nhất là “Early decision” diễn ra trước khóa học khoảng 10 tháng. Việc nộp giai đoạn này có thể tăng cơ hội được chấp nhận.
Nếu nộp hồ sơ theo hệ thống trực tuyến Common Application với hơn 900 trường, thông thường, sinh viên có thể đăng ký vào ngày 1/8.
Bộ hồ sơ cần đơn đăng ký, bài luận cá nhân, tài liệu tham khảo, bảng điểm và thành tích học tập, kết quả kiểm tra tiêu chuẩn hóa và báo cáo tài chính. Ngoài ra, một số trường đại học có yêu cầu sinh viên thi SAT hoặc ACT.
Do đó, cha mẹ và học sinh có thể cân nhắc trang bị sớm, nên hoàn thành hồ sơ và các kỳ thi này trước một năm.