10 tháng năm 2023, tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc có dấu hiệu tăng trở lại. Đặc biệt, tỷ lệ lao động hết hợp đồng không về nước tại nhiều tỉnh phía bắc tăng cao so với cả nước.
Nhiều người chưa biết khi nào đến lượt xuất cảnh
Theo Bộ LĐ-TB-XH, đến nay, tổng số lao động Việt Nam đang làm việc ở các thị trường là 712.607 lao động; trong đó có 46.677 lao động vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp, chiếm tỷ lệ 6%.
Hàn Quốc là thị trường có số lao động trốn ra khỏi hợp đồng và cư trú bất hợp pháp cao nhất với 12.245 người, chiếm tỷ lệ 26% (hơn 46.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại thị trường này).
Theo ông Đặng Duy Hồng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), trong năm 2022 và 10 tháng năm 2023, tỷ lệ lao động hết hợp đồng theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (Chương trình EPS) không về nước của một số địa phương trọng điểm khu vực miền Bắc như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Nam Định, Lạng Sơn… cao hơn mức bình quân của cả nước và cao hơn so với cam kết với phía Hàn Quốc (28%).
“Lao động cư trú bất hợp pháp thuộc diện đi theo Chương trình EPS có dấu hiệu tăng trở lại. Theo thống kê của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, tính đến tháng 6, trên tổng số 33.501 lao động theo Chương trình EPS đang làm việc tại Hàn Quốc, có tới 10.411 người không về nước, ở lại cư trú bất hợp pháp (chiếm tỷ lệ 31,07 %)”, ông Hồng nói.
Lý giải nguyên nhân tình trạng lao động bỏ trốn, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), cho hay: “Chủ yếu xuất phát từ trình độ nhận thức, tác phong của lao động yếu kém. Bản thân người lao động không nhận thức được những tác hại, nguy hiểm khi bỏ trốn, phá vỡ hợp đồng ra ngoài làm việc trái phép. Các lao động này không được pháp luật nước sở tại bảo vệ quyền lợi, nếu bị phát hiện sẽ bị bắt giam, bị cấm nhập cảnh trở lại”.