Đức là một đất nước xinh đẹp nằm ngay trung tâm của Châu Âu, mang một vẻ đẹp đầy cổ kính, yên bình với nền văn hóa lâu đời của nhân loại. Đây là nơi thu hút khá đông du khách nước ngoài đến tham quan và tìm hiểu. Quốc gia này cũng là một trong những đất nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới, được rất nhiều các bạn du học sinh nước ngoài quan tâm, lựa chọn làm nơi để học tập và làm việc.
Bạn đã bao giờ nghĩ đến việc sẽ chuyển đến làm việc tại Đức chưa? Mặc dù bạn đã có thể biết một vài thứ về nước Đức, tuy nhiên, văn hóa làm việc ở quốc gia này so với những nước châu Âu khác lại có rất nhiều điểm khác biệt. Hãy để chúng tôi giới thiệu đôi điều về văn hóa làm việc của họ để giúp bạn nhanh thích nghi hơn, khi quyết định xây dựng sự nghiệp tại đây.
Quy tắc vàng: Lợi ích của tập thể là trên hết
Giai đoạn sau Chiến tranh thế giới thứ hai là thời điểm để Đức xác định lại chế độ chính trị xã hội và văn hóa hiện đại, bao gồm cả việc tạo dựng văn hóa tại nơi làm việc. Trong thời gian này, cũng giống như Nhật Bản, quốc gia này đã tạo ra được một kỳ tích về kinh tế, hay còn gọi là “Wirtschaftswunder”.
Tác động của xu hướng tự do hóa kinh tế và quan điểm cho rằng, mọi người là những bộ phận không thể tách rời của xã hội, đã được lan truyền rộng khắp các bang ở Tây Đức. Thông điệp đưa ra là, mọi thành viên trong xã hội phải có trách nhiệm, không chỉ đối với bản thân, gia đình mà còn đối với đất nước của họ. Cộng hòa Liên bang đã áp dụng nguyên tắc trợ cấp mới đó là, nhà nước sẽ chỉ can thiệp khi một cá nhân đang cần đến nó ngay lập tức hoặc thực sự khẩn cấp. Nếu không, cá nhân đó sẽ phải chịu trách nhiệm phần lớn về cuộc sống của mình.
Cho đến ngày nay, người Đức vẫn duy trì lối tư duy như vậy, và có thể, tầm quan trọng của việc đúng giờ cũng được bắt nguồn từ đây. Khi bạn đi làm trễ, cả nhóm của bạn và cả công ty nơi bạn làm việc sẽ đều phải gánh chịu hậu quả. Tầm quan trọng của từng cá nhân đối với các thành viên trong một nhóm được gọi là “Wir-gefühl”, và đó là một phần cốt lõi trong văn hóa làm việc của Đức.
Người Đức nhận thức rất rõ về trách nhiệm của bản thân đối lợi ích chung của tất cả mọi người xung quanh mình. Ví dụ: Nếu một cá nhân không thực hiện công việc của họ, thì đồng nghiệp của họ sẽ phải nhận khối lượng công việc đó. Như vậy, mọi người sẽ phải chịu thay gánh nặng về phần công việc mà cá nhân đó đã không hoàn thành. Điều này không được chấp nhận trong một xã hội mà lợi ích tập thể được đặt lên hàng đầu như Đức.
Nhà quản lý người Đức đóng vai trò là một nhà cố vấn, họ không phải là một bậc thầy
Cuộc Cải cách diễn ra vào năm 1517 đã có sự ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội nước Đức. Cuộc cách mạng văn hóa này đã kêu gọi người dân tích cực học tập để biết chữ.
Những kết quả của sự chuyển đổi văn hóa này vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay, đặc biệt là ở các trường học. Hệ thống giáo dục của Đức được phát triển dựa trên khái niệm “Bildung”, khuyến khích tất cả trẻ em Đức phát triển nhân cách, khả năng sáng tạo và kỹ năng lập luận của riêng mình. Nhiệm vụ quan trọng này được giao cho các giáo viên. Chính vì vậy, giáo viên tại Đức là những người có vai trò gần giống như một người cố vấn, hỗ trợ học sinh trong quá trình phát triển cá nhân của chúng. Giáo viên sẽ truyền lại kiến thức của mình cho học sinh, khuyến khích chúng làm việc nhóm và đưa các bài phát biểu của cá nhân về những nội dung có giá trị. Đây chính là cách giúp cho học sinh biết lắng nghe người khác và suy xét cẩn thận hơn.
Các doanh nghiệp cũng xây dựng văn hóa làm việc theo một cách tương tự. Vai trò của người quản lý là hướng dẫn thay vì chỉ huy hoặc kiểm soát nhân viên. Kỹ năng làm việc nhóm đặc biệt được chú trọng. Các nhân viên và người quản lý được khuyến khích làm việc cùng nhau trong các dự án nhằm tạo ra các chiến lược hiệu quả. Hơn nữa, mục tiêu và thời hạn công việc thường do người quản lý và cả người được quản lý cùng quyết định. Điều này sẽ giúp đảm bảo cho mọi thứ được thực hiện theo đúng kế hoạch.
Làm việc nhóm độc lập và hiệu quả.
Sau khi các cuộc họp kết thúc, mỗi thành viên trong nhóm sẽ tự làm việc với nhau một cách độc lập.
Elise, giám đốc tiếp thị của một công ty thương mại điện tử của Đức, đã chia sẻ: “Tôi nhận thấy rằng, ban lãnh đạo giao nhiệm vụ thường xuyên và có hệ thống cho các nhân viên. Sau đó, họ cho phép những cá nhân đó làm việc độc lập”.
Ở cấp độ quốc gia, Thủ tướng Liên bang sẽ giám sát các vấn đề chung của quốc gia và các bang của Đức, tuy nhiên, mỗi vùng vẫn giữ được một mức độ tự trị đáng kể.
Như các bạn đã từng được biết, văn hóa làm việc của Đức có sự gắn kết chặt chẽ với 2 từ “hiệu quả”. Các quyết định mang tính chiến lược sẽ được bàn luận và lấy ý kiến chung để đặt ra các mục tiêu, và xác định thời hạn thực tế để có thể thực hiện nó. Do đó, nhân viên sẽ cảm thấy mình được tôn trọng, được đóng góp ý kiến, được hỗ trợ và được tự chọn ra cách để hoàn thành công việc được giao mà không tốn quá nhiều thời gian vô ích.
Người lao động tại Đức có thời gian nghỉ trưa ngắn và hiếm khi có thời gian để nghỉ giải lao. Họ đến văn phòng là để làm việc!
Đặc biệt kể từ cuộc Cải cách, gia đình đã trở thành nhân tố cốt lõi của đời sống tại Đức. Từ trước đây cho đến tận bây giờ, một gia đình có trẻ em luôn được đặc biệt coi trọng. Đó cũng là một trong những lý do tại sao, việc làm thêm giờ tại Đức hầu như không bao giờ tồn tại.
Khi bạn đi làm và về nhà đúng giờ, bạn sẽ có thời gian để ở nhà với gia đình, chăm sóc con cái, và có thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo sức khỏe. Từ đó, cuộc sống và công việc của bạn sẽ được cân bằng, hiệu suất lao động của bạn cũng vì vậy mà được cải thiện một cách tốt nhất. Hơn nữa, vì quá coi trọng đời sống gia đình và xã hội, người Đức nhìn chung không có thói quen kết bạn với đồng nghiệp tại nơi làm việc của họ. Mọi mối quan hệ bên ngoài gần như chỉ xoay quanh vấn đề công việc mà thôi.
8 lời khuyên thiết thực gửi đến các bạn
Sau đây là một vài điều mà các bạn cần nắm rõ để đảm bảo các bạn sẽ đi đúng hướng từ những ngày đầu tiên làm việc tại Đức:
● Đúng giờ: Đến muộn là một điều vô cùng tồi tệ! Hãy nhớ lợi ích của tập thể là trên hết.
● Hãy sử dụng “Sie” để xưng hô khi gặp ai đó lần đầu tiên hoặc đó không phải là bạn bè thân thiết. Hãy sử dụng ngôi thứ 2, “du”, trong trường hợp là những người thân trong gia đình hoặc bạn bè cùng lớp, hoặc cũng có thể là đồng nghiệp nếu bạn cảm thấy họ đủ thân thiết với mình. Nói chung, người Đức không cảm thấy họ phải có những người bạn thân thiết tại nơi làm việc. Họ muốn tách biệt giữa công việc và đời sống riêng tư của mình
● Khi trả lời điện thoại, hãy luôn nêu tên của bạn trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện. Bằng cách này, người gọi sẽ biết họ đang nói chuyện với ai.
● Tránh nói nhỏ khi không cần thiết và nói quá nhiều. Việc này giúp đồng nghiệp không nghĩ rằng, bạn đang chiếm nhiều thời gian làm việc của họ. Điều này đặc biệt đúng trước và trong các cuộc họp, khi mọi người đều muốn bắt tay ngay vào công việc.
● Khi thương lượng mức lương của bạn, đừng quên lưu ý đến sự khác biệt giữa mức lương tổng và mức lương thực tế mà bạn sẽ nhận được. Elise cho biết: “Với cùng một mức lương tổng, mức lương thực tế mà bạn nhận được ở Đức sẽ thấp hơn, vì bạn còn phải đóng góp khá nhiều vào quỹ bảo hiểm quốc gia và thuế an sinh xã hội.”
● Bữa trưa không phải là thời điểm tốt nhất để giao lưu với đồng nghiệp. Hầu hết người Đức ít khi muốn lắng nghe bạn kể về những ngày cuối tuần của mình, khi họ đang ở trong căng tin. Bạn có thể gợi ý với đồng nghiệp đi uống nước sau giờ làm việc để gặp gỡ và trò chuyện cùng nhau.
● Hãy bắt đầu học tiếng Đức. Nó sẽ giúp cho đồng nghiệp cảm thấy, bạn mong muốn được ở lại quê hương của họ, cố gắng hòa nhập và tìm hiểu về cuộc sống và văn hóa của đất nước họ.
● Không đi bộ trên làn đường dành cho xe đạp, không băng qua đường khi đèn đỏ và xếp hàng khi chờ phương tiện giao thông công cộng. Tóm lại, hãy tôn trọng các quy tắc trên đường đến văn phòng.
Chúng tôi hy vọng, những nội dung này sẽ giúp ích cho bạn khi quyết định sinh sống và làm việc tại Đức.
Và cuối cùng, “viel Glück”, dịch từ tiếng Đức, nghĩa là chúc bạn nhiều điều may mắn!