Canada dự kiến áp dụng trở lại giới hạn 20 giờ làm thêm mỗi tuần với sinh viên quốc tế sau 31/12, khiến nhiều người lo lắng về khả năng trả tiền học và sinh hoạt phí.
Do thiếu hụt nhân lực, chính phủ Canada cho phép du học sinh làm thêm không giới hạn thời gian, từ tháng 11/2022. Nhờ vậy, Krunal Chavda, 20 tuổi, sinh viên quốc tế tại Đại học Saskatchewan, đã trả được 10.000 CAD trong tổng số khoản vay học phí 40.000 CAD (720 triệu đồng).
“Tôi có thể làm thêm 40 giờ/tuần. Nhờ vậy, nguồn tài chính dồi dào hơn”, Krunal chia sẻ.
Với những du học sinh vẫn được gia đình hỗ trợ như Domenici Medina, người Ecuador, việc làm thêm vẫn cần thiết, bởi học phí của cô đã tăng gấp 3 lần. Ngoài ra, có thêm thu nhập giúp Demoenici thanh toán được chi phí các buổi khám răng, vốn không được bảo hiểm của trường chi trả.
Tuy nhiên, quy định trên sẽ hết hiệu lực sau ngày 31/12, đồng nghĩa từ năm 2024, du học sinh bị giới hạn chỉ được làm thêm 20 giờ mỗi tuần.
Việc áp dụng trở lại quy định trước đây khiến Krunal lo lắng. Do lạm phát, riêng chi tiêu cho hàng tạp hóa của cậu hiện là 300 CAD mỗi tháng, tăng gấp 3 lần trước kia.
“Cảm giác không chắc chắn và lo lắng lộ rõ. Việc duy trì cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn”, Meghal, bạn cùng lớp của Krunal, chia sẻ.
Ngoài ra, năm 2023, học phí trung bình của du học sinh là 38.000 CAD (685 triệu đồng) mỗi năm, cao hơn năm ngoái 6% và gấp 5 lần mức 7.000 CAD của sinh viên trong nước, theo Cục thống kê Canada.
“Hầu hết sinh viên quốc tế hiện phải làm việc với mức lương tối thiểu 16 CAD một giờ. Do đó, chúng tôi không thể sống nổi nếu chỉ được làm thêm 20 giờ mỗi tuần”, Karandeep Singh Sanghera, chủ tịch hội sinh viên tại Đại học Capilano ở Vancouver, nói.
Ngoài ra, nhiều nơi tuyển dụng cũng yêu cầu sinh viên phải làm nhiều giờ hơn. Doris Yim, một sinh viên ngành Dược, đang muốn ứng tuyển vị trí thu ngân nhà thuốc. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng nói muốn tuyển người có thể làm toàn thời gian trong kỳ nghỉ lễ. Với giới hạn 20 giờ làm thêm, Doris không thể có việc.
Theo James Casey, nhà phân tích chính sách tại Liên đoàn Sinh viên Canada (CFS), sinh viên quốc tế không nhận được các hỗ trợ nào khác ngoài khoản vay học phí. Để vật lộn với cuộc khủng hoảng phí sinh hoạt và nhà ở, nhiều sinh viên phải tìm tới những nơi phát đồ ăn miễn phí, cũng như tìm cách ở chung, thậm chí không có chỗ ở.
Do đó, không chỉ sinh viên quốc tế, nhiều tổ chức cũng kêu gọi chính phủ thay đổi chính sách về giờ làm thêm.
Phản hồi với CBC News qua email hôm 27/11, Bộ Di trú Canada cho biết đang đánh giá tác động và số lượng du học sinh hưởng lợi từ chính sách không giới hạn giờ làm thêm, sau đó sẽ ra đưa ra quyết định cuối cùng.
Năm ngoái, Canada có 807.750 sinh viên quốc tế, tăng gần 30% so với năm 2021. Tuy nhiên, quyền lợi của họ đang không được bảo đảm, từ việc xử lý thư mời nhập học, cho tới không có chỗ ở phù hợp và vấn nạn gian lận giấy phép lao động.