Block "blog-header" not found

Nhà tuyển dụng Đức phản hồi gì về lao động Việt Nam?

Chính phủ Đức đặt mục tiêu mỗi năm thu hút 400.000 lao động nước ngoài, chủ yếu từ Nam Âu và châu Á. Cơ hội dành cho người lao động Việt Nam tại đây là rất lớn nếu nắm bắt được yêu cầu từ nhà tuyển dụng.
Lương tối thiểu tại CHLB đã tăng lên mức 12 Euro ( khoảng 300.000 đồng) cho mỗi giờ làm việc từ đầu năm 2022, nhưng thị trường lao động Đức vẫn khát nhân lực. Vì thế, làn sóng người Việt trẻ sang Đức tìm kiếm cơ hội xây dựng sự nghiệp thông qua con đường du học, du học nghề, việc làm ngày càng trở nên phổ biến.
Để thành công tại Đức, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu là nắm bắt được sự phản hồi của các nhà tuyển dụng. Đây là căn cứ để học sinh, người lao động cũng như các công ty du học biết cần phải làm gì, chú trọng hay sửa đổi phần nào trong giai đoạn chuẩn bị tại Việt Nam cũng như trong quá trình hội nhập tại Đức, đảm bảo việc sinh sống học tập, làm việc được thuận lợi, hiệu quả.
Ông Lê Đức Dũng – Tiến sỹ Y sinh, chuyên gia về khoa học sức khỏe đang sinh sống và làm việc tại Đức tổng kết các phản hồi từ hàng trăm nhà tuyển dụng Đức về lao động Việt Nam trong nhiều năm qua thành 4 nội dung chính: Trình độ tiếng Đức, khả năng hội nhập, sự hỗ trợ từ công ty cung cấp dịch vụ du học và sự cam kết từ học viên/người lao động.
Đánh giá của ông Lê Đức Dũng được xem là cẩm nang dành cho các công ty du học cũng như các bạn trẻ người Việt muốn tìm cơ hội làm việc và định cư lâu dài ở đất nước này.
Trình độ tiếng Đức
Điều kiện tiếng Đức đối với học viên sang Đức du học nghề là bằng B1. Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng cho rằng, với trình độ B1, học viên hầu như rất khó theo đuổi chương trình học và gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình làm việc, nhất là giao tiếp trao đổi với đồng nghiệp, với cấp trên. Tình trạng học viên không hiểu được công việc mình được giao do trở ngại ngôn ngữ đang diễn ra khá phổ biến. Tỷ lệ học sinh Việt Nam không theo học được, bị cắt hợp đồng hay phải đổi ngành học đang khá cao, mà lý do chính là nền tảng ngôn ngữ không đủ đáp ứng.
Ngôn ngữ là mối lo lắng lớn nhất của các nhà tuyển dụng. Khác với du học đại học, học viên có từ 1 đến 2 năm để học thêm tiếng, du học sinh học nghề có rất ít hoặc không có thời gian để bổ sung thêm tiếng mà phải vào học và làm việc ngay. Khi đó, ngôn ngữ ở trình độ B1 là một vật cản rất lớn.
Khả năng hội nhập
Về khả năng hội nhập, trình độ ngôn ngữ tiếp tục là yếu tố tiên quyết. Nếu tiếng kém, du học sinh sẽ ngại giao tiếp với đồng nghiệp, ít có các mối quan hệ ngoài xã hội, cuộc sống biệt lập buồn tẻ và dễ vướng vào những rắc rối không cần thiết.
Nhiều nhà tuyển dụng phàn nàn rằng học sinh Việt Nam thiếu tính kỷ luật, tuy nhiên ông Lê Đức Dũng cho rằng không phải tất cả đều cố ý mà hầu hết do chưa hiểu được các quy định, pháp luật và văn hoá làm việc nên đã vi phạm, đặc biệt là các quy định về nghỉ học, nghỉ làm, nghỉ ốm, cắt hợp đồng, đổi chỗ làm, v.v.

Ông Lê Đức Dũng chia sẻ: “Hội nhập là quá trình lâu dài, không thể diễn ra trong ngày một ngày hai. Các em cần được chuẩn bị kỹ càng từ khi còn học tiếng ở Việt Nam như các buổi training hội nhập để làm quen với giao tiếp, văn hoá, pháp luật, văn hoá làm việc, hệ thống y tế và chăm sóc sức khoẻ… ở Đức. Quá trình hỗ trợ hội nhập đó phải được tiếp tục tại Đức trong các năm tiếp theo cho học sinh và phải được hỗ trợ bởi những công ty có kinh nghiệm và hiểu biết tốt đồng thời cả văn hoá của Việt Nam và Đức”.

Sự hỗ trợ từ công ty cung cấp dịch vụ

Một trong những câu hỏi mà các nhà tuyển dụng Đức hay đề cập đến khi tiếp nhận du học sinh là sự hỗ trợ từ công ty cung cấp dịch vụ. Nhiều công ty có một bộ phận hỗ trợ học sinh nhưng do sự khác biệt văn hoá và rào cản ngôn ngữ mà quá trình hỗ trợ này thường bị ngắt quãng và không hiệu quả.

Nhà tuyển dụng Đức mong muốn các công ty tư vấn du học có nhân sự người Việt tại Đức để hỗ trợ học sinh hội nhập, tìm kiếm nhà ở, làm thủ giấy tờ… Họ cần các đối tác cùng họ xây dựng lộ trình hội nhập lâu dài cho các học sinh, cũng như có thể trao đổi giải quyết kịp thời khi có vấn đề xảy ra.

Về phía du học sinh, có một bộ phận hỗ trợ lâu dài tại Đức là điểm tựa tinh thần giúp họ hội nhập và học tập tốt hơn, tâm lý vững vàng hơn, gắn kết với nơi làm việc.

Sự cam kết

Theo ông Lê Đức Dũng, có hai vấn đề mà các nhà tuyển dụng lo lắng, đó là tình trạng học sinh bỏ học, đổi chỗ làm giữa chừng và “vỗ cánh bay đi hết” sau khi ra trường.
Mỗi năm các nhà tuyển dụng đều có số chỉ tiêu học nghề cố định. Họ mong muốn những chỗ làm đó được phủ kín trong 3 năm tiếp theo. Tuy nhiên nếu nhiều học sinh bỏ học trong các năm học thì kế hoạch nhân sự của họ lập tức bị đảo lộn. Nếu tình trạng này xảy ra liên tục, họ phải suy nghĩ kỹ trước khi nhận học sinh học nghề cho năm kế tiếp.
Mặt khác, về pháp lý, du học sinh học nghề sau khi tốt nghiệp không bị ràng buộc phải ở lại làm việc. Tuy nhiên các nhà tuyển dụng đều mong muốn những học sinh mà họ đào tạo sẽ gắn bó với họ. Ông Lê Đức Dũng đưa ra lời khuyên: “Các du học sinh nên suy nghĩ kỹ trước những quyết định của mình. Nó có thể ảnh hưởng ít lên từng cá nhân, tuy nhiên sẽ ảnh hưởng lớn lên hình ảnh du học sinh nước ngoài nói chung và Việt Nam nói riêng, dẫn tới các tác động và ảnh hưởng tiêu cực cho các thế hệ du học sinh tiếp theo”.
TS. Lê Đức Dũng là chuyên gia về khoa học sức khoẻ tại CHLB Đức. Ông tốt nghiệp Tiến sỹ Y sinh Trường Đại học Y khoa Hannover và Bệnh viện Đại học Saarland (Đức). Từ năm 2016, ông làm việc tại Phòng thí nghiệm nghiên cứu ung thư máu và ghép tế bào gốc, Bệnh viện Đại học Wuerzburg.

TS. Lê Đức Dũng đạt giải thưởng về khoa học cơ bản tại Hội nghị khoa học thường niên lần thứ 47 của Hiệp hội Ghép tế bào máu và tủy của châu Âu (EBMT 2021).

Trong nhiều năm qua TS. Lê Đức Dũng tích cực thúc đẩy, tạo dựng các mối quan hệ hợp tác và trao đổi giữa Việt Nam và Đức, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *