Người Việt bây giờ sinh sống và làm việc khắp các châu lục, có lẽ chỉ trừ Nam Cực.
50 năm qua, người Việt ngày càng có mặt đông đảo ở châu Âu, Mỹ, Canada, Úc, New Zealand.
Tại các miền đất láng giềng châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Lào, Philippines đều có số lượng người Việt vượt con số chục ngàn, thậm chí hơn trăm ngàn.
Theo những thống kê chưa đầy đủ, số người Việt Nam hoặc gốc Việt Nam trên toàn thế giới hơn 4 triệu người.
Cựu thủ tướng Israel Edmud Barak, từ một đất nước xa xăm, văn hóa khác lạ, khi đến thăm Việt Nam gần đây đã chia sẻ: “Tôi biết dân Việt ở Israel rất giỏi về ẩm thực và ngay cả trong quân ngũ cũng rất bền bỉ”.
Chắc hẳn bà Âu Cơ khi đưa 50 con ra biển, như trong truyền thuyết xưa, cũng không tưởng tượng ra ngày con cháu Rồng Tiên ở hải ngoại nảy nở rộng khắp và lớn lao như thế.
Người Việt đa xứ
Đã và đang ra đời một thế hệ người Việt đa xứ, khác hẳn thế hệ người Việt xa xứ trước đây. Đó là những người không “bỏ xứ” ra đi mà là người chủ động tìm được cơ hội việc làm, sáng tạo trên những miền đất mới.
Đồng thời họ vẫn kết nối với quê nhà không chỉ bằng thăm viếng du lịch mà bằng giao thương kinh tế, hoạt động đóng góp xã hội.
Tiến sĩ Lý Quí Trung là một thí dụ trong thế hệ người Việt đa xứ đương đại. Anh là doanh nhân nổi tiếng với thương hiệu Phở 24 tại TP.HCM. Sau khi bán chuỗi cửa hàng này cho một đối tác nước ngoài, gia đình anh định cư tại Úc.
Hai vợ chồng tiếp tục theo đuổi ngành ẩm thực trong khi con cái học lên đại học. Trong hơn năm năm qua, Lý Quí Trung đã dựng lại cơ đồ với hai nhà hàng Bon Bistro và Nắng tại Sydney, tham gia nhiều dự án kinh doanh và xã hội khác tại Úc và Việt Nam.
Là doanh nhân, anh Trung tiếp tục giảng dạy, viết sách, truyền cảm hứng khởi nghiệp, chuyển giao kiến thức kinh doanh trong nhiều lĩnh vực cho giới trẻ Việt Nam. Anh còn gầy dựng tại Sydney một nhóm doanh nhân trẻ người Việt tuổi 30, phần lớn mới sang Úc lập nghiệp để làm cầu nối giao thương hai nước.
Ngoài ra anh thường xuyên tham gia hoạt động khơi gợi tư vấn cho các doanh nghiệp mới khởi lập ở Việt Nam cũng như Úc và một số nước châu Âu.
Quân Nguyễn là một trường hợp “dấn thân” khác. Từ giã nghề công chức trong nước, anh xin học bổng sang Úc học luật.
Sau năm năm kiên nhẫn đèn sách, tốt nghiệp lần lượt cả thạc sĩ và tiến sĩ luật, Quân Nguyễn không chỉ hoạt động trong ngành luật mà còn làm kinh doanh.
Anh phát hiện ở nước ngoài một “dư địa” liên quan “nghề ruột” của gia đình: chế biến gỗ thành hàng đồ chơi cho trường học và nội thất nhà ở. Lập tức anh và gia đình đầu tư mở rộng xưởng mộc ở ngoại thành TP.HCM và chuyên xuất sản phẩm sang Úc.
Chịu khó nắm bắt thị hiếu, công ty anh dần dà không chỉ bán hàng ở nhiều bang của Úc mà còn xuất đi Mỹ và một số nước khác. Đến thăm trụ sở công ty ở Melbourne vào cuối tháng 11 vừa rồi, tôi thấy một nhà kho lớn đầy ắp các kiện đồ gỗ “made in Vietnam”, trong đó có các bộ bàn ghế sofa mang tên Sài Gòn đang chuẩn bị được gửi đi khắp bốn phương trời.
Quân Nguyễn còn cộng tác với người thân trong nước để tìm các “kho” rừng trồng, khai thác gỗ nguyên liệu xuất khẩu. Sắp tới anh còn ấp ủ mở văn phòng luật ở Việt Nam với ước mong tư vấn luật lệ kinh doanh và phổ biến nhiều kiến thức pháp lý công ty hiện đại.
Quân Nguyễn tâm niệm: “Ở xứ người hay xứ mình được làm điều mình thích, được đóng góp cho gia đình và xã hội những điều hữu ích, được tham gia cổ xúy cho những giá trị toàn cầu là trách nhiệm và hạnh phúc lớn lao!”.
Có nhiều bạn trẻ sau khi du học đã về khởi nghiệp tại Việt Nam nhưng cùng lúc sống và làm việc trên toàn cầu.
Các bạn vẫn giữ được các mối liên kết quốc tế chặt chẽ, vẫn “đi nước ngoài như đi chợ” để xây dựng mạng lưới rộng khắp. Bùi Hải An, tốt nghiệp kỹ sư điện của Đại học Quốc gia Singapore – NUS, sau ba năm làm thuê các công ty đa quốc gia ở đảo quốc năng động có đủ kinh nghiệm để cùng các bạn học xây dựng Công ty TGM chuyên về đào tạo kỹ năng ở TP.HCM.
Anh dựng tiếp một công ty cổ phần quốc tế mang tên Silicon Strait Saigon (SSS) với các cổ đông trẻ của Mỹ và Singapore. Công ty này chuyên đầu tư mua bán công nghệ cao, được đánh giá là một mô hình khởi nghiệp rất sáng tạo.
Khi sang thăm Việt Nam, Tổng thống Mỹ Obama đã mời Hải An tham dự cuộc gặp các doanh nhân trẻ, mặc dù anh không tốt nghiệp đại học ở Mỹ. Sau tác phẩm SSS đắc ý và đắc lợi, anh tham gia sáng lập và điều hành ngân hàng số Timo, một loại hình kinh doanh tài chính tân kỳ.
Nhóm bạn cựu sinh viên NUS của Hải An cũng rất thành đạt, mở nhiều công ty, tiếp tục phát huy mạng lưới quốc tế. Ở lĩnh vực giáo dục và xã hội, không ít các chuyên gia Việt tuổi đời 30 – 40 đang giảng dạy hoặc làm công việc nghiên cứu ở các nước tiên tiến.
Dù ở xa, nhiều bạn vẫn giữ liên hệ với Việt Nam thông qua thầy xưa bạn cũ, các đại học và doanh nghiệp để đóng góp từ những bài giảng, công trình nghiên cứu đến những chương trình học bổng, trợ giúp nhiều mặt cho đàn em.
“Thảo dân di động”
Phụng, một chuyên gia tài chính từng học MBA ở Mỹ và làm việc cho nhiều công ty đa quốc gia ở nước ngoài cũng như Việt Nam, đang chuẩn bị đưa gia đình định cư ở Canada. Trong mối thân quen với người viết, cô tâm sự lý do rời Việt Nam là để các con được hưởng nền giáo dục hiện đại hơn.
Đó cũng là lý do nhiều người như cô quyết định ra nước ngoài sinh sống. Nhưng Phụng khẳng định dù đi đâu, vợ chồng cô cũng không bao giờ cắt liên hệ với quê nhà.
Họ giữ lại căn hộ ở Việt Nam, giữ những mối quan hệ bạn bè cũng như những “manh mối” quen biết trong công việc và sở thích. Sau khi cuộc sống mới ổn định, cả hai vợ chồng sẽ tìm những công việc để có thể “đi đi về về”, tận hưởng những thuận lợi riêng của mỗi xứ sở.
Sống và làm việc song hành “toàn cầu và toàn quốc” có dễ dàng không? Đây là câu hỏi lớn, không phải ai cũng có thể trả lời ngay và có thể thực hiện suôn sẻ.
Nhưng cuộc sống ở thập niên 20 của thế kỷ 21 đang cho thấy nhiều điều kiện thuận lợi với những tác động vũ bão của công nghệ hóa và toàn cầu hóa.
Ở nhiều nước đã xuất hiện cộng đồng “thảo dân di động” đủ quốc tịch, nhất là giới doanh nhân và trí thức, cùng lúc có nhà cửa, việc làm và quan hệ thân thuộc ở nhiều xứ sở.
Họ được coi là giới chuyên gia có thể định cư lâu dài hay ngắn hạn ở một nước hay nhiều nước, đồng thời vẫn gắn bó với xứ sở gốc gác của mình. Hệ thống pháp luật của nhiều nước cũng đã thay đổi để thích hợp với nhu cầu nhân lực “xuyên lục địa”.
Trước nhất là việc chấp nhận đa quốc tịch, kế đến là mở rộng quy chế thường trú nhân để tiếp nhận người nước ngoài đến làm việc, sinh sống và dĩ nhiên đóng thuế. Với những nước đang phát triển, quan niệm “chảy máu chất xám” đã dần dà thay thế bằng “được thêm chất xám”.
Dòng người ra nước ngoài làm việc không chỉ chuyển về ngoại tệ mà còn là công nghệ, kinh nghiệm và các mối quan hệ hữu ích cho kinh doanh và phát triển đất nước.
Thời đại ngày nay các nước đều định hướng cho thế hệ trẻ trở nên những công dân toàn cầu nhưng toàn cầu đến đâu thì cũng hướng về Tổ quốc, hướng đến quê hương ruột rà.
Các bạn trẻ Việt Nam ở trong nước hay ngoài nước, trong tim vẫn là dòng máu Việt nhẫn nại và sáng tạo, bằng nhiều cách thức sẽ nuôi dưỡng hoài bão xây dựng đất nước mình và thế giới cường thịnh, công bằng và bền vững. Đó cũng chính là giá trị toàn cầu.
Thế hệ người Việt đa xứ định cư ở nước ngoài bằng con đường chuyên gia hay đầu tư chắc chắn sẽ ngày càng gia tăng vì nhiều nước công nghiệp vẫn đang tiếp tục mở cửa ưu tiên di trú cho các trường hợp này.
Thành công tất nhiên không dễ dàng. Họ đều phải bươn chải cật lực để thích nghi và hội nhập với khí hậu, môi trường sống, văn hóa và pháp luật của nước sở tại. Đặc biệt phải làm quen với cách sống với hai mái nhà, hai xã hội, hai đất nước hoặc hơn nữa, để khám phá và phục vụ lâu dài.
Tôi tin rằng có nhiều cách thức và hoạt động thiết thực để tiếp sức cho người Việt đa xứ như miễn visa, tạo nhiều gặp gỡ và diễn đàn trao đổi, thúc đẩy các dự án hợp tác kinh doanh, nghiên cứu, giảng dạy và công tác xã hội.