Block "blog-header" not found

Lao động Việt “sáng cửa” sang Nhật, Hàn

6 tháng đầu năm 2023 số lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đạt trên 65% kế hoạch, Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam, nhiều thị trường lao động có tín hiệu tích cực…

Báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cho thấy, chỉ riêng trong tháng 6, có 12.649 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Nhật Bản là quốc gia tiếp nhận 5.995 lao động, con số này tại Đài Loan (Trung Quốc) là 5.337, Hàn Quốc 398, Trung Quốc 173, Ba Lan 153, Hungari 143, Singapore 83, Liên bang Nga 78, Malaysia 60, Hongkong 54 và các thị trường khác.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 72.294 lao động, đạt gấp hơn 1,55 lần so với cùng kỳ năm ngoái (6 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 46.578 lao động).

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2023, số lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đạt 65,72% kế hoạch năm 2023 là xuất khẩu lao động đạt 110.000 lao động.

Nhật Bản là thị trường tiếp nhận nhiều lao động nhất với 34.508 lao động, tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc) 31.538 lao động…

Mới đây, Chính phủ Nhật Bản đang thực hiện các cải tiến chính sách để người lao động nước ngoài có tay nghề cao sẽ có thể lưu trú lâu dài và mở rộng nhóm ngành nghề cho Chương trình kỹ năng đặc định số 2.

Theo đó, việc Nhật Bản quyết định mở rộng thêm 9 ngành nghề về chế biến thực phẩm và nhà hàng vào danh sách các ngành nghề không có thời hạn làm việc đối với tư cách lưu trú kỹ năng đặc định đã nâng những ngành nghề người lao động nước ngoài có thể lưu trú dài hạn lên 12 ngành, nghề.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đây là cơ hội để tăng số lượng, tăng quyền lợi, mở ra cơ hội cư trú lâu dài đối với lao động Việt Nam.

Nhật Bản cũng là thị trường thu hút nhiều lao động Việt Nam nhất trong năm qua, các lao động sau 3 năm thực tập sinh sẽ có nhiều cơ hội chuyển sang lao động kĩ năng đặc định ở lại lâu dài. Nhiều hiệp hội ngành nghề Nhật Bản cũng sang tìm hiểu, liên kết với các trường đào tạo nghề ở Việt Nam để giúp người lao động thuần thục tay nghề trước khi xuất cảnh.

Không chỉ riêng Nhật Bản, đối với người lao động Việt Nam, Hàn Quốc cũng là thị trường có thu nhập cao, gần gũi về văn hóa nên thu hút nhiều lao động lựa chọn sang làm việc. Thu nhập bình quân của người lao động từ 1.500 – 2.000 USD/tháng.

Tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Việc làm và Lao động Hàn Quốc Lee Jung Sik đã ký và trao Bản Ghi nhớ (MOU) về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS). Chương trình EPS sẽ mang lại nhiều việc làm có thu nhập cao cho người lao động Việt Nam cũng như đóng góp vào sự phát triển của các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Nhằm đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường công tác tuyển chọn, đào tạo nguồn và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bộ cũng tiếp tục đàm phán, lựa chọn những địa bàn, khu vực, vùng miền và những đối tác có hiệu quả mới hợp tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *