“Học đại học sao lại đi làm nông dân?”
2h30 phút sáng, nghe tiếng chuông báo thức, Đỗ Thị Hảo vội bật dậy. Cô khoác thêm chiếc áo ấm rồi men theo lối đi quen thuộc ra khu vực trung tâm của trang trại để bắt đầu ca làm việc lúc 3h. Nhiệt độ ngoài trời khi ấy khoảng -10 độ C.
Để bắt đầu công việc, Hảo từng bước tháo rửa, làm sạch hệ thống máy vắt, chuẩn bị vòi xịt và khăn làm sạch bầu sữa của bò. Bên trong từng ngăn chuồng, những cô bò đang chờ được Hảo lắp máy để cho ra những dòng sữa thơm ngon.
Ca làm việc của Hảo kết thúc vào lúc 8h cùng ngày. Cô lý giải, bản thân phải dậy sớm vắt sữa bò từ lúc 3h sáng bởi đó là một trong hai khung giờ phù hợp với nhịp sữa của bò ở trang trại. Ngoài ca làm từ 3h-8h sáng, đan xen trong tuần, cô sẽ đổi sang ca chiều từ 15-20h.
Hoàn thành chương trình học tại khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam trước một năm, năm 2021, Đỗ Thị Hảo (23 tuổi, quê Vĩnh Phúc) đăng ký tham gia chương trình thực tập sinh tại Đan Mạch.
Đây là đất nước luôn nằm trong danh sách những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, cũng là một cường quốc nông nghiệp nổi tiếng được nhiều nước coi là hình mẫu. Biết bản thân sẽ được làm việc trong những “nhà máy nông trại”, cô gái trẻ vô cùng háo hức.
Những ngày đầu đặt chân sang Đan Mạch, Hảo gặp không ít trở ngại về ngôn ngữ. Thời tiết quá lạnh vào mùa đông, có khi nhiệt độ xuống tới -20 độ C cũng khiến Hảo bị “sốc”. Tuy nhiên, cô gái trẻ nhanh chóng làm quen với môi trường xung quanh để bắt đầu công việc.
Chia sẻ với Dân trí, Hảo cho biết, theo chương trình thực tập sinh, cô sẽ là một nông dân đúng nghĩa theo chuẩn của nông dân Đan Mạch.
“Ở đất nước này, thông thường để trở thành một nông dân “chuẩn”, mỗi người sẽ phải tốn thời gian 4,5 năm để học hỏi các kỹ năng, công nghệ cũng như thực hành ở những trang trại tư nhân trước khi được cấp phép hành nghề. Do tôi đã từng được đào tạo trong nước nên khi sang đây sẽ bước vào giai đoạn thực tập”, Hảo nói.
Hàng ngày công việc chính của cô là vắt sữa bò, chăm sóc cho đàn bò và bê con trong trang trại.
“Thoạt nghe, nhiều người thắc mắc: Học đại học ra sao lại đi làm nông dân? Thực tế, quá trình làm việc tại đây, tôi đã tiếp thu được rất nhiều điều bổ ích từ việc chăm sóc, ủ thức ăn, quan sát dấu hiệu bệnh của bò, cách quản lý và vận hành một trang trại quy mô lớn…”, cô gái 23 tuổi chia sẻ.
Những kiến thức thực tế đã giúp Hảo lý giải rất nhiều vấn đề lý thuyết trước đây dù có thuộc lòng nhưng cô vẫn không hiểu vì sao. Điều đặc biệt, Đan Mạch là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về nông nghiệp, trên 60% diện tích nước này được sử dụng cho nông nghiệp. Từ chủ trang trại đến những người nông dân đều là những “siêu nhân” đáng để Hảo học hỏi.
Hảo chia sẻ, ban đầu, cô khá bất ngờ về quy mô của trang trại ở Đan Mạch. Dù chỉ là trang trại của gia đình nhưng những nông dân Đan Mạch sở hữu hàng nghìn con bò, con bê. Mỗi gia đình có vùng đất rộng lớn tới mức nhà nọ cách xa nhà kia hàng cây số.
Đặc biệt, những nông dân Đan Mạch rất giỏi ứng dụng công nghệ, máy móc nên giảm được tối đa sức người trong sản xuất. Họ có thể lái mọi loại xe tải, máy kéo, máy làm cỏ thậm chí cả máy bay phun thuốc…
Cô gái trẻ từng rất ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến chiếc máy cắt thu hoạch những cánh đồng cỏ, ngô, hay lúa mì rộng lớn chỉ trong tích tắc… Cả cánh động rồng hàng trăm ha nhưng chỉ cần 1 người lái xe cắt, 1 người lái xe tải làm chăm chỉ một vài ngày là xong.
Trang trại nơi Hảo làm việc có hơn 1.000 con bò, bê con nhưng chỉ có 8 lao động vì quá trình vận hành được trợ giúp nhiều bởi máy móc.
“Tổng diện tích trang trại nơi tôi làm việc rộng 480ha, trong đó phần lớn là đồng ruộng. Cánh đồng nhỏ nhất là 4ha, cánh đồng lớn nhất là 38ha. Ngoài phần diện tích dành cho chăn nuôi, chủ của tôi thuê các công ty trồng cỏ, ngô… để có nguồn thức ăn cho bò”, Hảo cho hay.
Nông dân ở quốc gia hạnh phúc có “sướng”?
Làm nông dân tại Đan Mạch, Hảo cũng thường xuyên được tham dự các hội nghị hợp tác, trao đổi kinh nghiệm của nông trại với các công ty, nông trại bò sữa ở Đan Mạch. Cô cũng được chủ trang trại và các nông dân kinh nghiệm của Đan Mạch chỉ dạy tỉ mỉ những bí quyết trong công nghệ nuôi bò ở đất nước này.
Ngoài việc được làm nông dân ở cường quốc nông nghiệp, Hảo còn được trải nghiệm những ưu đãi trong chế độ lao động ở quốc gia thuộc top hạnh phúc nhất thế giới này.
Cô chia sẻ, bản thân chỉ làm việc 37 giờ một tuần, một tháng không vượt quá 160 giờ. Thu nhập trung bình một tháng của cô có thể lên tới 50tr.
“37 giờ là số giờ tiêu chuẩn cho một lao động Đan Mạch. Người Đan Mạch làm khoảng 4,5 ngày một tuần. Thời gian còn lại họ dành để nghỉ ngơi, du lịch, chăm sóc gia đình. Việc tăng ca cũng không được phép vượt số giờ quy định. Các chủ sử dụng lao động và người lao động Đan Mạch đều tuân thủ các quy định này”, Hảo cho hay.
Chỉ làm việc khoảng 4,5 ngày/tuần nên Hảo có khá nhiều thời gian rảnh rỗi. Cô thường dựng clip chia sẻ về cuộc sống của mình lên mạng xã hội. Nhiều người khá bất ngờ khi 9X Việt dù làm nông dân nhưng sáng có thể uống cà phê ở Đan Mạch, chiều ngắm hoàng hôn ở Thụy Sĩ.
Chính vì vậy, Hảo thường xuyên nhận được câu hỏi “làm nông dân ở quốc gia hạnh phúc có sướng không?”.
“Tôi nghĩ, làm nông dân thì ở đâu cũng vất vả. Tuy nhiên, tại Đan Mạch, vì được hỗ trợ nhiều bởi máy móc nên người nông dân có nhiều thuận lợi. Vì chỉ làm theo số giờ như những lao động Đan Mạch nên bản thân tôi có thời gian học tiếng Anh, hoặc đi thăm thú các nước châu Âu…”, Đỗ Thị Hảo cho hay.
Chia sẻ về con người Đan Mạch, cô gái Việt cho biết, người Đan Mạch rất bình đẳng và giản dị. Họ cũng rất cần cù, thân thiện và tốt bụng. Cô từng được những người không quen giúp kéo vali, xách đồ, được chở về tận nông trại khi không may bị nhỡ xe bus, được bà chủ đem thuốc đến tận nơi mỗi khi đau ốm…
Tại Đan Mạch, cô gái trẻ còn được cộng đồng người Việt định cư tại đây giúp đỡ. Thời gian đầu, khi Hảo mới tới Đan Mạch, cô thường xuyên được những người đồng hương đến thăm hỏi, hỗ trợ để ổn định cuộc sống.
Theo lịch thì cuối năm nay Hảo sẽ kết thúc quãng thời gian thực tập 18 tháng tại Đan Mạch. Hảo chia sẻ, bản thân cô từng có quãng thời gian mất định hướng, không xác định được mục tiêu tương lai.
Tuy nhiên, từ khi đến Đan Mạch, cô có thời gian sống chậm lại để suy nghĩ và nhận ra đam mê của mình. Cô dự định, trong tương lai sẽ vận dụng những kỹ năng, kinh nghiệm tích lũy được ở Đan Mạch để phát triển công việc của bản thân tại Việt Nam.