Chiều 11/12, lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cùng lãnh đạo công ty Huyndai Mipo Dockyard ký ghi nhớ hợp tác đào tạo nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc đóng tàu.
Phái cử lao động kỹ thuật ngành đóng tàu
Lễ ký kết thỏa thuận diễn ra dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam – Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Gia Liêm và Phó Tổng Giám đốc Hyundai Mipo Dockyards (HMD) thống nhất cùng xây dựng một chương trình hợp tác đào tạo nhằm bồi dưỡng nhân lực có tay nghề để nâng cao chất lượng nguồn lao động phù hợp, sẵn sàng cung cấp kịp thời cho ngành công nghiệp đóng tàu Hàn Quốc.
Cục Quản lý lao động ngoài nước có trách nhiệm giới thiệu các trường đào tạo nghề hàn, sơn, điện đảm bảo có trình độ tay nghề cao trong lĩnh vực đóng tàu phù hợp với yêu cầu của ngành công nghiệp đóng tàu Hàn Quốc và có nơi lưu trú cho người lao động học tập, thực hành.
Hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (doanh nghiệp dịch vụ) phối hợp với các trường thực hiện đào tạo nghề nhằm bồi dưỡng và nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động đáp ứng tiêu chuẩn của đối tác.
Hướng dẫn các doanh nghiệp dịch vụ hợp tác chặt chẽ để đảm bảo những lao động có tay nghề đáp ứng yêu cầu của quy định thị thực E7 (visa lao động kèm điều kiện về bằng cấp và kinh nghiệm) được phái cử thuận lợi sang làm việc.
HMD có trách nhiệm hợp tác, cung cấp thông tin về nhu cầu lao động trong lĩnh vực đóng tàu của HMD và Hyundai theo hạn mức tiếp nhận lao động thị thực E7; số lượng, tiêu chuẩn lao động, các điều kiện làm việc cũng như tiền lương, chế độ khác…
Hợp tác để hướng dẫn kỹ thuật (cung cấp tài liệu kỹ thuật, cử chuyên gia hướng dẫn…) cho các chương trình đào tạo nghề chất lượng cao.
Doanh nghiệp Hàn Quốc phải bảo đảm cung cấp môi trường làm việc, điều kiện ăn, ở chất lượng cao cho người lao động Việt Nam làm việc tại các nhà máy đóng tàu của HMD và Hyundai.
Ngoài ra, HMD cần đảm bảo các điều kiện về cơ sở đào tạo, giáo trình, trang thiết bị học tập và thực hành, chuyên gia và kỹ thuật viên hướng dẫn đào tạo.
Bản thỏa thuận có hiệu lực trong thời hạn 2 năm kể từ ngày các bên ký.
Nói về ý nghĩa việc Cục Quản lý lao động ngoài nước và tập đoàn công nghiệp đóng tàu hàng đầu thế giới hoàn thành bản thỏa thuận sau thời gian dài thương thảo, chuẩn bị, bà Tạ Thị Thanh Thúy – Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, Trưởng Ban quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài cho biết: “Với bản thỏa thuận này, người lao động Việt Nam sẽ được đào tạo tay nghề lĩnh vực đóng tàu, đặc biệt là hàn và sơn. Khi được đào tạo theo mô hình của HMD, người lao động sau khi nhập cảnh sẽ nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc và ổn định cuộc sống”.
Cải thiện hơn nữa thu nhập với lao động Việt
Trước lễ ký, báo cáo với Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan, Tổng Giám đốc Huyndai Mipo Dockyards thông tin, do thiếu nguồn nhân lực, doanh nghiệp Hàn Quốc này rất cần lao động và luôn đánh giá cao về năng lực của người lao động Việt Nam.
Ông này hứa luôn cố gắng cải thiện thu nhập với người lao động nước ngoài và sẽ cố gắng chăm lo hơn nữa đời sống, chế độ với nguồn nhân lực.
Tổng Giám đốc HMD mong sau lễ ký thỏa thuận với Cục Quản lý lao động ngoài nước, doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn nhân lực có tay nghề từ Việt Nam, đồng thời cam kết hết sức để đào tạo nhân lực Việt Nam.
Vui mừng với những nội dung Tổng Giám đốc HMD trao đổi, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đánh giá cao nỗ lực, sự chuẩn bị của các bên để đưa tới kết quả là bản ghi nhớ ý nghĩa được ký kết. Các con số báo cáo cho thấy số lượng người Việt chiếm tới hơn 50% tổng số lao động nước ngoài đang làm việc tại Huyndai Mipo Dockyards.
Các chế độ, chính sách phúc lợi với người lao động, doanh nghiệp đã thực hiện theo đúng quy định. Đây là những điều kiển thuận lợi để người lao động Việt Nam có thể làm việc lâu dài, gắn bó với công ty.
Với sự kiện quan trọng, 2 bên ký kết văn bản thỏa thuận cung ứng lao động này, thời gian tới, hợp tác về nhân lực giữa Việt Nam với Huyndai nói riêng, với Hàn Quốc nói chung sẽ có những bước phát triển mới. Bản thỏa thuận tạo nền tảng cần thiết cho hoạt động đào tạo, tuyển chọn người lao động phù hợp với yêu cầu công việc của doanh nghiệp sử dụng.
“Tôi tin tưởng, đây sẽ là bản thỏa thuận đầu tiên, mẫu mực với việc cung ứng, đào tạo nguồn nhân lực diện visa E7”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh.
Bộ LĐ-TB&XH sẽ chỉ đạo Cục quản lý lao động ngoài nước cũng như đơn vị đào tạo, cung ứng thực hiện tốt pháp luật của cả 2 nước và đảm bảo để người lao động được hưởng những quyền lợi, chế độ cao nhất.
Lãnh đạo Bộ kỳ vọng thời gian tới, lao động Việt Nam sẽ có số lượng cao hơn, đảm nhận những công việc chất lượng hơn nữa.