Khi Hamas trả tự do cho các con tin Thái Lan, Panaphan Klongsuwan đã đặt vé quay lại Israel, nơi đang thiếu nhân lực nghiêm trọng.
“Đa số nhà tuyển dụng trả lương gấp đôi cho người quay lại”, Panaphan, 37 tuổi, cho biết. “Đây là cơ hội tôi không muốn bỏ lỡ”.
Trước ngày 7/10, khi Hamas vượt qua biên giới Dải Gaza vào khu vực miền nam Israel, Panaphan chăn bò và làm ruộng ở Israel, mỗi tháng thu nhập 1.400 USD để gửi về quê.
Anh đã về quê ở tỉnh Phrae, Thái Lan, nghỉ phép hôm 7/11, một tháng sau vụ tấn công của Hamas khiến 39 người Thái Lan thiệt mạng, hàng chục người Thái bị bắt làm con tin, khiến quốc gia này trở thành một trong những nước bị cuộc xung đột Israel – Hamas ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Video người lao động Thái Lan bị giết trong đợt tấn công của Hamas được chia sẻ rộng rãi. Các cuộc không kích trả đũa của Israel vào Dải Gaza khiến ít nhất 15.000 người chết, cách nơi nhiều lao động Thái trồng cà chua, cam và chuối chỉ vài km.
Tuy nhiên, Panaphan vẫn quyết tâm quay lại Israel vào 4/12. “Cơ hội không chờ, ngân hàng cũng không chờ”, anh nói. “Các khoản vay mua nhà, mua ôtô đều do bố tôi đứng tên, nên bố tôi có nghĩa vụ trả nợ. Tôi đi làm thay cả nhà và có nghĩa vụ trả nợ”.
Tuần trước, 17 con tin Thái được Hamas thả đã trở về Bangkok. Họ mệt mỏi nhưng vui mừng vì sống sót. Trước cuộc xung đột, khoảng 30.000 người Thái Lan đăng ký làm việc ở Israel với thu nhập 1.400-1.700 USD/tháng, gấp nhiều lần thu nhập nếu làm nông ở quê nhà. Ít nhất 4 trong số các con tin là lao động làm việc trái phép, chủ lao động ban đầu không muốn trình báo họ mất tích.
Điều kiện sinh hoạt ở trang trại rất kham khổ, theo các nhân viên và tổ chức phi chính phủ. Công nhân thường xuyên khiếu nại không được trả lương làm thêm giờ, hay gánh trên vai các khoản nợ phí môi giới lao động.
Tuy nhiên, có nhiều yếu tố hấp dẫn thúc đẩy người Thái Lan xuất khẩu lao động sang Israel. Đây là quốc gia có lực lượng lao động nông thôn lớn, bị trói buộc với thu nhập thấp bởi thiếu trình độ học vấn và hãm sâu vào những khoản vay nặng lãi.
Ở khu vực vùng sâu vùng xa, nợ mua xe mua nhà, nợ học phí và gánh nặng báo hiếu thúc đẩy thanh niên đi xuất khẩu lao động bởi nếu ở lại, họ không thể kiếm hơn 10 USD mỗi ngày.
“Ai ở lại Thái Lan với mức lương thấp như thế?” Panaphan nói. “Ở Israel, tôi có thể kiếm được 42-57 USD/ngày”.
Chính quyền Thái Lan khuyến cáo công dân không quay lại Israel. “Chính phủ đã sử dụng nhiều nguồn lực để đưa lao động Thái Lan rời khỏi vùng chiến sự”, Veerapong Injai, cán bộ Sở Lao động Phrae, nói. “Chúng tôi không khuyến khích bất kỳ ai quay lại vào lúc này”.
Các trang trại Israel tập trung chủ yếu ở miền trung và miền nam. Trước ngày 7/10, các cơ sở này dựa vào hàng nghìn người Thái Lan và Palestine để trồng trọt. Tuy nhiên, nhiều người Thái đã rời đi sau vụ tấn công của Hamas, trong khi người Palestine bị tước giấy phép lao động, khiến các trang trại rơi vào cảnh thiếu nhân lực nghiêm trọng khi mùa thu hoạch đang tới.
Lực lượng lao động nhập cư đang là trụ cột cho nền nông nghiệp và các nhà máy của Israel. Ngoài công dân Thái Lan, 10 lao động Nepal và 4 người Philippines cũng nằm trong danh sách thiệt mạng vì cuộc đột kích của Hamas. Tại Ấn Độ, các công đoàn lớn đã yêu cầu chính phủ không đưa lao động sang Israel.
Nhưng trong những ngày tới, hàng nghìn lao động Sri Lanka sẽ tới Israel để bù đắp lỗ hổng nhân lực. Họ muốn kiếm tiền gửi về quê nhà, nơi đang trải qua khủng hoảng kinh tế và chi phí sinh hoạt nghiêm trọng. Khoảng 20.000 người Sri Lanka sẽ sớm đến Israel, nơi đang có 8.000 lao động Sri Lanka làm việc chủ yếu trong ngành điều dưỡng và nông nghiệp.
“Lao động Sri Lanka ở Israel không có xu hướng về nước. Chúng tôi sẵn sàng đưa họ trở về bất kỳ khi nào họ muốn”, Bộ trưởng Lao động Sri Lanka Manusha Nanayakkara hồi tháng 10 cho biết.
Tại Thái Lan, những tuần sau vụ tấn công 7/10 là quãng thời gian khó khăn đối với cộng đồng Khok Samran nhỏ bé ở tỉnh Khon Kaen, nơi một lao động nữ Thái Lan bị Hamas bắt làm con tin.
Boonyarin Srijun, 56 tuổi, chờ con gái Natthavaree quay lại. Cô được trả tự do trong quãng thời gian Israel và Hamas ngừng bắn. Natthavaree đã làm việc ở Israel được 4 năm. Bà Boonyarin cho hay còn có một con trai làm việc chui ở Hàn Quốc. Câu chuyện phản ánh rủi ro và gánh nặng mà những người nghèo nhất Thái Lan phải gánh chịu.
“Chúng cảm thấy mình chẳng là ai ở quê hương, nhưng lại được chủ lao động nước ngoài trọng dụng. Công việc đó biến các cháu thành trụ cột gia đình”, Boonyarin nói, cho hay các con gửi về nhà 2.200 USD mỗi tháng. “Nhưng tôi chỉ muốn các cháu về nhà để ổn định cuộc sống, ở cùng trong căn nhà mà hai đứa đã cùng bỏ tiền giúp bố mẹ xây”.
Khi cả làng chuẩn bị đón Natthavaree quay về, trưởng làng cho hay không có gì ngạc nhiên nếu người dân ở đây tiếp tục rời đi, thậm chí đến Israel, giữa vòng luẩn quẩn nghèo đói ở khu vực đông dân.
“Chúng tôi thà tìm cách thoát nghèo còn hơn đi ăn xin”, Shane Rienthong, 60 tuổi, nói.
Ông từng đi xuất khẩu lao động ở Israel, Hàn Quốc và Đài Loan. “Chúng tôi ra nước ngoài vì không có trình độ”, ông nói. “Những việc tốt lương cao ở Thái Lan chỉ dành cho người có học. Tài sản duy nhất của chúng tôi là sức lao động”.