Những năm qua, hoạt động xuất khẩu lao động đã góp phần phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tạo thu nhập và nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), tính đến cuối năm 2022, lực lượng lao động Việt Nam đã có mặt tại 40 quốc gia trong hơn 30 lĩnh vực, ngành nghề; bình quân mỗi năm chúng ta đã đưa hơn 100.000 người đi làm việc ngoài nước. Lượng kiều hối do người lao động ở nước ngoài gửi về trong nước hàng năm vào khoảng hơn 3 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, bên cạnh những con số tích cực nói trên, điểm hạn chế nổi bật trong hoạt động xuất khẩu lao động thời gian qua đó là có đến 90% lao động Việt Nam đưa đi nước ngoài là lao động phổ thông, mức thu nhập của lao động không cao so với mặt bằng chung của khu vực và thế giới. Trước xu thế của thị trường lao động quốc tế, đã đến lúc chúng ta cần đẩy mạnh đưa lao động đã qua đào tạo, lao động có tay nghề đi làm việc tại nước ngoài, tăng tỷ lệ lao động chất lượng cao trong cơ cấu xuất khẩu lao động.
Thực tế, việc đẩy mạnh đưa lao động đã qua đào tạo, lao động có tay nghề đi nước ngoài làm việc đã và đang mang lại cho người lao động cũng như nền kinh tế nước ta những lợi ích “kép”. Người lao động có tay nghề, lao động chất lượng cao khi ra nước ngoài làm việc thì thu nhập sẽ cao hơn rất nhiều so với lao động phổ thông, lao động chưa qua đào tạo. Một kết quả khảo sát gần đây cho thấy, bình quân thu nhập hàng tháng (kể cả làm thêm) của lao động phổ thông người Việt Nam làm việc tại nước ngoài là 400 – 600 USD (9,5 – 14,3 triệu đồng) ở thị trường Trung Đông; 700 – 800 USD (16,6 – 19 triệu đồng) ở thị trường Đài Loan… Song với lao động có tay nghề, mức thu nhập có thể đạt đến 27,5 – 34 triệu đồng/tháng (làm việc tại Đức) hoặc 52,8 – 66 triệu đồng/tháng (làm việc tại Australia). Như vậy, người lao động có tay nghề, lao động chất lượng cao sẽ có thu nhập cao hơn, có điều kiện tích lũy nhiều hơn.
Mặt khác, sau khi hết thời gian lao động ở nước ngoài, số lao động có tay nghề trở về nước sẽ trở thành nguồn cung quan trọng đối với doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung bởi lúc đó, họ không chỉ có tay nghề mà còn có kinh nghiệm, ý thức kỷ luật do được lao động thời gian dài trong môi trường chuyên nghiệp tại nước ngoài. Đây là nguồn lực để doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng môi trường lao động kỷ luật, hiệu quả.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) nhìn nhận, theo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chúng ta khuyến khích đưa lao động có trình độ, tay nghề đi sang các nước không chỉ giải quyết việc làm, thu nhập mà còn nâng cao trình độ kỹ năng, kiến thức kỹ thuật tiên tiến, thiết bị máy móc. “Không chỉ được trả mức thu nhập tốt, việc người lao động có kiến thức, trình độ cũng là yếu tố giúp họ có vị trí vững vàng hơn trong công việc khi xảy ra khủng hoảng. Ví dụ như đại dịch COVID-19, người lao động trình độ phổ thông sẽ bị cắt giảm, người có năng lực vẫn được giữ lại”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước nhấn mạnh.
Thực tế, với việc tăng cường đưa lao động đã qua đào tạo, lao động có tay nghề đi làm việc tại nước ngoài đã giúp các doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận những thị trường tốt, mang đến thu nhập cao cho người lao động. Bản thân người lao động cũng ý thức hơn trong việc tự rèn luyện nâng cao trình độ ngoại ngữ, phát triển tay nghề để tìm kiếm các cơ hội việc làm tốt hơn ở nước ngoài.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để nâng cao hiệu quả việc đưa lao động đã qua đào tạo, lao động có tay nghề đi làm việc tại nước ngoài, thời gian tới cần thực hiện tốt công tác tuyển chọn và đào tạo lao động về chuyên môn, tay nghề, trình độ ngoại ngữ và ý thức tổ chức kỷ luật, tạo vị thế của người lao động Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, xây dựng kế hoạch đưa lao động Việt Nam tham gia vào các dự án đầu tư, dịch vụ hoặc hoạt động thương mại để nâng cao kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng chuyên nghiệp cao nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của các thị trường tiềm năng về xuất khẩu lao động.
Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác kết nối doanh nghiệp xuất khẩu lao động với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Doanh nghiệp cần cung cấp cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhiều hơn nữa các chương trình đi học tập, làm việc ở từng thị trường để cập nhật vào thông tin tuyển sinh, chương trình đào tạo. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu từ các doanh nghiệp, nhất là tay nghề chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động.
Các địa phương, cơ quan chức năng các cấp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến chính sách, pháp luật về hoạt động xuất khẩu lao động; có chính sách hỗ trợ tài chính để người lao động có điều kiện học tập, nâng cao trình độ, năng lực của bản thân./.