Block "blog-header" not found

Lương tới trăm triệu mỗi tháng, sao lao động đi Đức vẫn hạn chế?

Lao động kết thúc khóa đào tạo nghề và thi đạt chứng chỉ nghề quốc gia Đức có nhận mức lương 3.800 Euro/tháng (khoảng 95 triệu đồng). Tuy nhiên thực tế ít lao động chọn đi Đức do trở ngại ngôn ngữ.

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan đề cập vấn đề này trong buổi tiếp ông Stephan Weil, Thủ hiến bang Hạ Saxony, Cộng hòa Liên bang Đức, đang thăm và làm việc tại Việt Nam, sáng 3/10.

Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan hoan nghênh Thủ hiến bang Hạ Saxony lần đầu tiên sang thăm Việt Nam trong bối cảnh CHLB Đức là một trong những đối tác truyền thống và chiến lược của Việt Nam trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, chăm sóc người cao tuổi…

Trao đổi về sự hợp tác giữa hai nước, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, trong những năm qua, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức (trước là Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức) tích cực triển khai các chương trình hợp tác trong lĩnh vực lao động, việc làm, đào tạo nghề và đạt được kết quả tốt đẹp.

Một trong số đó là chương trình “Hand in Hand for International Talents”, Thứ trưởng Hoan đánh giá, chương trình có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần tạo cơ sở thuận lợi và bền vững cho việc mở rộng hợp tác đào tạo lao động có kỹ năng nghề với bằng cấp được hai bên công nhận và đưa lao động có tay nghề giữa Việt Nam – Đức trong tương lai.

Với Đức, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đánh giá, đây là thị trường có điều kiện làm việc rất tốt, thu nhập cao. Tuy nhiên, việc người lao động phải thi đỗ kỳ thi tiếng Đức trình độ B1 và học tiếng Đức chuyên sâu đến trình độ B2 là rào cản lớn với ứng viên có nguyện vọng sang Đức làm việc.

“Hiện nay, người lao động trong lĩnh vực điều dưỡng, hộ lý ở Đức được làm việc trong điều kiện rất tốt, thu nhập lên tới 3.800 Euro/tháng. Lao động Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu của Đức trong lĩnh vực y tá, điều dưỡng, phục vụ nhà hàng, khách sạn. Tuy nhiên việc thi lấy chứng chỉ tiếng Đức trình độ B2 là một rào cản lớn.

Nếu có thể giảm bớt điều kiện về ngoại ngữ ở một số lĩnh vực, ngành nghề, tương lai Đức sẽ là một trong những thị trường hấp dẫn, bền vững và lâu dài của lao động nước ngoài nói chung và lao động Việt nói riêng”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhận định.

Trên tinh thần chân thành, cởi mở, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, nếu Bang Hạ Saxony có nhu cầu tiếp nhận người lao động Việt Nam sang làm việc trong lĩnh vực điều dưỡng, công nghệ thông tin, kỹ thuật điện tử, ẩm thực hoặc ngành khách sạn… hai bên có thể nghiên cứu, phối hợp tuyển chọn, đào tạo và phái cử người lao động.

Tiếp lời Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, ông Stephan Weil cho biết, trên cơ sở hai quốc gia đã có truyền thống hợp tác lâu đời, tốt đẹp, phía Đức đánh giá cao những tiềm năng hợp tác giữa hai nước. Lao động Việt Nam cũng được các doanh nghiệp đánh giá cao bởi sự chăm chỉ, cần cù.

Thủ hiến bang Hạ Saxony cho biết, hiện nay Đức đang thiếu hụt lực lượng lao động có chuyên môn, tay nghề cao trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Do đó, phía Đức mong muốn tiếp tục mở rộng hợp tác với Việt Nam ở các lĩnh vực này trong thời gian tới.

“Việc duy trì hợp tác sẽ phát huy năng lực, thế mạnh và mang lại những lợi ích thiết thực cho hai bên”, ông Stephan Weil khẳng định.

Về ý kiến liên quan tới vấn đề ngôn ngữ mà Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đề cập, ông Stephan Weil cho biết, thay vì yêu cầu tiếng Đức trình độ B2 chung như hiện nay, Đức có thể xem xét giảm bớt điều kiện về trình độ ở từng lĩnh vực, ngành nghề lao động cụ thể.

“Trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn trình độ tiếng Đức có thể thấp hơn điều dưỡng, hộ lý. Tuy nhiên, việc đạt được trình độ B2 tiếng Đức sẽ có lợi cho người lao động trong việc muốn định cư lâu dài ở Đức”, ông Stephan Weil nói.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *