Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết ước tính, số nhân lực chất lượng cao, người Việt có trình độ đại học trở lên ở nước ngoài là khoảng 600.000 người.
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết chiều 14/12, tại cuộc họp báo thông tin về Hội nghị Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp.
Bà Hằng cho biết Hội nghị sẽ tổ chức ngày 26-27/12 với các phiên thảo luận tập trung vào 3 nội dung đang rất “trendy” (hợp thời), là những lĩnh vực Việt Nam đang cần và cộng đồng người Việt ở nước ngoài tâm huyết, muốn đóng góp cho đất nước: Đầu tư xanh, phát triển nguồn nhân lực, phát triển chuỗi cung ứng.
Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một nguồn lực quý, giàu tiềm năng, có thể đóng góp to lớn cho công cuộc phát triển đất nước giàu, mạnh.
Từ 2,7 triệu người năm 2003, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có khoảng 6 triệu người, với tốc độ tăng trưởng nhanh (khoảng 5%/năm). Độ bao phủ rộng khi kiều bào đang sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, trên 80% ở các nước phát triển.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ tiếp tục hội nhập ngày càng sâu rộng, mà ngày càng khẳng định vị thế, có đóng góp nhất định đối với nước sở tại cũng như vun đắp tình hữu nghị, thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại, quảng bá hình ảnh đất nước con người, văn hóa Việt Nam.
Trước tiên, đó là nguồn lực tri thức, khoa học công nghệ, nhân lực chất lượng cao. Theo ước tính, số lượng người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10-12% trong cộng đồng gần 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, tương đương khoảng 600.000 người.
Trong đó, nhiều nhà khoa học có tên tuổi trong các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cao mà Việt Nam có nhu cầu như công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, chế tạo máy, điều khiển học, công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ, vật liệu mới, công nghệ nano, năng lượng, quản lý kinh tế, tài chính ngân hàng…
Về nguồn lực kinh tế, bà Hằng nhấn mạnh doanh nhân người Việt đã có mặt tại hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, có tiềm lực kinh tế và có ảnh hưởng ngày càng tăng không chỉ đối với cộng đồng mà cả đối với chính quyền sở tại.
Các doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài chính là lực lượng tích cực nhất trong việc đưa hàng Việt Nam thâm nhập vào thị trường nhiều nước trên thế giới, hình thành mạng lưới phân phối với nhiều trung tâm thương mại, tổ chức hoặc hội doanh nghiệp theo ngành nghề, đặc biệt những mặt hàng thế mạnh như may mặc, da giày, nông sản, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ…
Theo thống kê gần đây, kiều bào từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư 385 dự án FDI tại 42/63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD.
Bên cạnh đó, còn có nguồn vốn đầu tư của kiều bào về nước theo các hình thức gián tiếp khác hoặc theo hình thức đầu tư trong nước.
“Hoạt động đầu tư, kinh doanh của người Việt Nam ở nước ngoài đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tạo việc làm cho lao động ở địa phương và tăng nguồn thu từ thuế cho ngân sách nhà nước”, bà Hằng nhấn mạnh.
Thêm vào đó, lượng kiều hối gửi về nước tính từ năm 1993 (là năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến năm 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết kiều hối gửi về trong nước tăng ổn định hàng năm, kể cả trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19. Việt Nam nhiều năm liền nằm trong top 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới.
Từ những yếu tố trên, Hội nghị là cơ hội để kết nối doanh nhân, trí thức, chuyên gia, nhân sĩ người Việt Nam tại các nước với các cơ quan, địa phương của Việt Nam; là diễn đàn thu hút, phát huy đóng góp của kiều bào đối với các vấn đề phát triển của đất nước, địa phương, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…